Kết luận
1. Tư tưởng quân sự Việt Nam từ năm 1428 đến năm 1858 được gắn liền với quá trình
thăng trầm của các triều đại phong kiến kế tiếp nhau. Tư tưởng quân sự có mối quan hệ hữu
cơ, tương hỗ với bối cảnh thực tế của đất nước trong những thời đoạn lịch sử nhất định mà
một triều đại nào đó trị vì đất nước. Điểm tương đối thống nhất trong lịch sử chế độ phong
kiến nói chung, lịch sử tư tưởng quân sự thời phong kiến nói riêng là tên gọi của các triều đại
thường được gắn trực tiếp với những dòng họ nổi lên cầm quyền, ví như: triều Lê, triều Mạc,
triều Nguyễn... Bên cạnh đó, tương ứng với tư tưởng quân sự của từng triều đại đều có những
nhà tư tưởng quân sự đại diện tiêu biểu; mà thông thường trước nhất chính là những người
khai mở ra triều đại đó hoặc trong đội ngũ những quân sư, võ tướng thân cận. Triều Lê Sơ có
Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông; chúa Nguyễn (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh) có
Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật; triều Tây Sơn có Nguyễn Huệ - Quang Trung, Nguyễn Thiếp;
triều Nguyễn có Gia Long, Minh Mạng...
2. Trên bình diện tổng quát thì nội dung lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam thời phong
kiến có tính thống nhất tương đối, đó là: Tư tưởng về xây dựng quân đội; Tư tưởng về xây
dựng căn cứ, hậu phương, hậu cần đảm bảo cho hoạt động quân sự; Tư tưởng về chỉ đạo tác
chiến trong khởi nghĩa và chiến tranh; Tư tưởng về xây dựng quốc phòng; Tư tưởng đối ngoại
quân sự...
Nhưng mặt khác, ở từng triều đại lại có những nét đặc trưng cụ thể riêng. Đó là, với
những triều đại được hình thành từ phong trào khởi nghĩa hoặc phải liên tiếp tiến hành những
cuộc chiến tranh chống xâm lược, thì tư tưởng về xây dựng quân đội, tư tưởng về chỉ đạo tác
chiến... thường nổi trội hơn cả. Điển hình nhất trong đó là: thời nội chiến Lê - Mạc, Trịnh -
Nguyễn phân tranh, thời Tây Sơn; song, đối với những triều đại tồn tại và phát triển trong điều
kiện hòa bình, ổn định thì tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc lại
có vị trí thường xuyên và hàng đầu. Tiêu biểu là triều Lê Sơ, triều Nguyễn. Tựu trung lại,
những vấn đề thuộc về nội dung tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời phong kiến là tương
đối rõ ràng và thống nhất; song, vị trí và tính cấp thiết của từng quan điểm tư tưởng lại có sự
thay đổi tùy theo diễn biến tình hình đất nước.
3. Thực tế lịch sử đất nước từ năm 1428 đến năm 1858 cho thấy rằng, gắn với thời
gian cầm quyền của những thể chế phong kiến tuy dài ngắn khác nhau, nhưng điều quan trọng
là mỗi một triều đại đều có những đóng góp rất đáng kể cho lịch sử phát triển của tư tưởng
quân sự Việt Nam. Điển hình như: triều Lê (Lê Sơ) với tư tưởng kết hợp “kiến quốc” với “vệ
quốc” (kết hợp xây dựng và bảo vệ đất nước), triều Tây Sơn với tư tưởng tập trung sức mạnh
ưu thế, giải quyết kết cục khởi nghĩa và chiến tranh bằng những trận quyết chiến chiến lược,
triều Mạc và chúa Nguyễn (Đàng Trong) với tư tưởng xây dựng và sử dụng thành lũy trong