cũng đòi hỏi cần phải có lực lượng mạnh. Nhằm giải quyết những vấn đề trên, triều đình Lê
Sơ kế thừa kinh nghiệm của các vương triều trước thực thi chính sách "ngụ binh ư nông".
Nội dung cơ bản của chính sách "ngụ binh ư nông" là chế độ binh dịch đối với tất cả
đinh tráng và chế độ binh lính chia phiên về sản xuất.
Việc binh lính chia phiên về sản xuất ở thời Lê Sơ có những điểm khác so với các triều
đại trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, ngày 21 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ hai
(Kỷ Dậu - 1429), vua Lê Thái Tổ chỉ dụ cho tướng hiệu quân nhân các vệ và quân 5
đạo: "Hạn đến ngày 27 thì tập trận thuỷ bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Tập xong rồi, đều chia ra
5 phiên, 1 phiêu lưu lại quân ngũ và 4 phiên chia về làm ruộng"
20
.
Tháng 5 năm Mậu Thìn (1448), trước tình hình mấy năm liền bị hạn hán và sâu cắn
lúa, từ nhà nước đến tư gia đều túng thiếu, lương cấp cho vệ sĩ không đủ, Lê Nhân Tông bèn
chỉ dụ cho Quản lĩnh Ngự Tiền Vũ đội (đội quân túc vệ, có chức quản lĩnh đứng đầu)
rằng: "Bọn các ngươi từ thời Thái Tổ đến giờ giữ phận túc trực mãi mãi, không được nhìn đến
cửa nhà. Nay thiên hạ vô sự, nên chia ra làm ba phiên thay nhau túc trực, để được về thăm
cha mẹ"
21
.
Tháng chạp năm (1465), Lê Thánh Tông trong lời dụ các tổng quản, tổng tri (phụ trách
các vệ quân 5 đạo và các quân trấn phủ) nêu rõ: "cứ ngày rằm hằng tháng, thì vào phiên để
điểm mục". Tức là hằng tháng vào ngày rằm (15 âm lịch), quân 5 đạo và quân các phủ trấn (về
sau đổi thành quân Ngũ phủ và quân các Đô ty) vào phiên để điểm mục.
Tháng 6 năm Bính Dần (1446), Thái bộc tự thiếu khanh Lê Đình Tuấn tâu rằng: Vào
kỳ tháng 5, tháng 6 đương là mùa làm ruộng, các quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở
lại túc trực và làm các việc giữ cửa, coi nhà, canh điếm, lợp nhà, cắt cỏ, nuôi voi, còn các sắc
quân ở các sảnh viện và những thợ ở cục bách tác thì giữ lại một nửa làm việc, còn thì cho về
làm ruộng. Lời tâu này được nhà vua chuẩn y. Theo đó, trong hai tháng 5 và 6 của mỗi năm,
quân phục dịch ở các sảnh, viện và thợ cục bách tác được chia làm hai phiên: một phiên ở lại
làm việc, một phiên cho về sản xuất.
Năm Kỷ Sửu (1469), vua Lê Thánh Tông ban sắc chỉ cho các vệ, ty Thần vũ, Du nỗ,
Thần tý, Vũ lâm (thuộc Cấm quân) mỗi khi đến phiên túc trực, thì thay ban nhau mà chuyên
tập võ nghệ, và sắc chỉ cho các vệ thuộc Ngũ uy (quân ngũ phủ) cùng các sở súng nỏ ngoại vệ
(quân đô ty): liệu định số người để canh giữ các nơi, còn thì đều chuyên tập luyện võ nghệ.
Năm Canh Tuất (1490), theo như định lệ hằng năm, nhà vua hội họp các quân điểm
mục xong cho về, thay phiên nhau ở lại canh giữ.
Các chính sách quy định ở thời Lê Thánh Tông vẫn tiếp tục được thực hiện dưới thời
Lê Hiến Tông (1498-1504). Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1498), theo đề nghị của Lễ bộ thượng
thư Vũ Hữu, nhà vua đồng ý cho cả những người đầu bếp ở Thái quan thụ "cứ đến tháng 6,
tháng 10 thì nhất luật chia cho về làm ruộng"
22
.