LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 32

cuộc tranh giành quyền lực. Giải quyết những vấn đề trên không thể không cần đến lực lượng
quân sự mạnh.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của lực lượng quân đội trong dựng nước

cũng như giữ nước, các vua triều Lê Sơ càng chú trọng đến xây dựng, phát triển mọi mặt để
có được một quân đội hùng mạnh. Quan điểm về xây dựng một quân đội tập trung, thống nhất
và thiện chiến được thể hiện rõ qua những biện pháp xây dựng quân đội của nhà Lê. Đó là:

- Lực lượng quân đội được tổ chức thống nhất, tập trung.

Cùng với quá trình xây dựng một chính quyền trung ương tập quyền, lực lượng quân

đội cũng được nhà Lê tổ chức lại. Dưới triều Lê không có một lực lượng vũ trang nào khác
ngoài lực lượng quân đội do triều đình trực tiếp quản lý.

Sau khi lên ngôi, với 10 vạn quân thường trực giữ lại, Lê Thái Tổ chia làm hai loại:

quân Cấm vệ và quân Các đạo. Quân Cấm vệ được chia thành 11 quân gồm có 6 quân Ngự
tiền và 5 quân Thiết đột. Quân Ngự tiền đóng ở Kinh thành có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua và
Hoàng thành. Quân Thiết đột làm nhiệm vụ bảo vệ Kinh thành và cơ động chiến đấu. Ngoài ra
còn có một số vệ, đội thuỷ binh, tượng binh, kỵ binh.

Quân các đạo đóng giữ ở các địa phương được chia thành các vệ theo 5 đạo hành

chính: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Đứng đầu vệ là các chức Tổng quản, Đô tổng quản,
Đồng tổng quản chỉ huy. Dưới vệ là các đơn vị sở, đội, ngũ. Đứng đầu đội là chức chánh, phó
đội trưởng; đứng đầu ngũ là chức chánh phó ngũ trưởng.

Dưới các triều vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân hệ thống tổ chức quân

sự được củng cố thêm một bước.

Đến triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), cùng với việc thực hiện công cuộc cải

cách hành chính chia cả nước thành 13 đạo, tổ chức quân đội cũng được cải tổ một cách toàn
diện tạo thành một quân đội thống nhất, với hệ thống tổ chức chặt chẽ có quy củ. Sau gần một
tháng cầm quyền, vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho vệ quân các đạo, phủ, trấn, các tổng
quản, tổng tri phải chỉnh đốn đội ngũ. Năm Bính Tuất (1466), Lê Thánh Tông tiến hành cuộc
cải cách toàn diện quân đội với mục đích làm cho quân đội gọn nhẹ nhưng tinh nhuệ, có quân
thường trực tại ngũ mạnh và có lực lượng dự bị đông đảo để huy động khi cần thiết. Lực
lượng quân đội được chia thành hai bộ phận: quân triều đình và quân các địa phương. Quân
triều đình gồm có quân Cấm binh (còn gọi là Cấm vệ quân) và quân Ngũ phủ. Chế độ quân 5
đạo tồn tại từ thời Lê Thái Tổ đến thời Lê Nhân Tông, nay bị bãi bỏ.

Cấm binh là lực lượng bảo vệ Kinh thành và Hoàng cung, được chia thành các vệ, sở.

Năm Đinh Hợi (1467), Lê Thánh Tông quy định mỗi vệ có 5 sở, mỗi sở gồm 20 đội, mỗi đội
có 20 người. Tổng số quân Cấm vệ dưới thời Lê Thánh Tông có khoảng 45.400 người.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.