LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 34

Dưới triều Lê Sơ, ngoài lực lượng quân đội do nhà nước tổ chức, quản lý theo một hệ

thống nhất quán, chúng ta không thấy có những đội quân của các vương hầu quý tộc như ở
các vương triều trước đó.

- Quy chế tuyển chọn binh lính và võ quan rõ ràng nghiêm ngặt.

Cũng giống như các triều đại Lý, Trần, việc tuyển chọn binh lính thời Lê Sơ được dựa

trên số nhân đinh trong cả nước. Triều đình giao việc quản lý nhân đinh cho các địa phương.
Hằng năm, các địa phương phải lập sổ hộ tịch kê khai sắp xếp nhân đinh theo thứ hạng. Đinh
nam từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam, từ 20 đến 60 tuổi gọi là đại hoàng nam, được ghi tên
vào sổ điệu phát. Nhà nước căn cứ vào sổ này để tuyển binh.

Năm Đinh Mùi (1427), sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập,

Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã hạ lệnh cho quan các lộ cùng với quan các sảnh, cục và các tướng hiệu
tiến hành lập sổ hộ, căn cứ theo trú quán chứ không theo nguyên quán của dân. Từ đó nhà vua
đặt lệ cứ 3 năm làm lại hộ tịch một lần, gọi là phép "kế tu" (kế tiếp và tu sửa). Đầu năm Mậu
Thân (1428), Lê Thái Tổ hạ lệnh lập hộ tịch và sổ điền bạ trong cả nước. Vấn đề khôi phục và
phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng đã đặt ra yêu cầu nhà nước cần phải nắm vững nguồn
nhân lực, vì thế triều đình lệnh cho các phủ, huyện và trấn phải gấp rút hoàn thành sổ hộ, hạn
cuối cùng là tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), phải đệ trình kết quả. Năm Canh Tuất (1430), vua ra
lệnh gộp sổ hộ trong cả nước. Năm Quý Sửu (1433), sổ hộ tịch đã được hoàn tất. Từ đó cứ
2 hoặc 3 năm một lần, nhà nước tiến hành kiểm kê nhân đinh. Các đời vua kế tục đều noi theo
Lê Thái Tổ, khi mới lên cầm quyền đều ra lệnh thống kê hộ khẩu, quản lý nhân lực trong cả
nước, lấy đó làm cơ sở để tuyển mộ binh lực cho quân đội.

Dưới đời Lê Thái Tổ, việc tuyển quân nhằm chọn những đinh nam trẻ khoẻ thay thế số

quân cũ già yếu. Một quy chế mới về binh dịch đã được ban hành. Đó là: Một nhà 3 người thì
lấy 1 làm quân, phu dịch tha cho 3 năm. Nhà nước cũng quy định miễn cho con cháu những
người đã tham gia kháng chiến từ những ngày đầu. Tháng 12 năm Mậu Thân (1428), nhà vua
dụ cho các quan văn, võ: Người nào đã đem vợ con ẩn tránh ở núi rừng cùng trẫm lo việc
nước, từ Mường Thôi, Bồ Đằng, Chí Linh, Khả Lam, thì hoặc con hoặc cháu đều được miễn
dịch quân dân. Nếu làm quan thì không thuộc lệ này. Con cháu anh em nào không thuận đạo
mà quên nghĩa, cầu an giặc thì không được nhận. Ai làm trái thì xử biếm hay bãi.

Kế tục Lê Thái Tổ, năm Giáp Dần (1434), vua Lê Thái Tông cử Đại tư đồ Lê Sát, Tư

khấu Lê Ngân, Tư mã Lê Liệt và Lê Bôi tuyển lựa đinh tráng các đạo để bổ sung quân số. Trừ
con các quan viên từ Lục phẩm trở lên, giám sinh Quốc Tử Giám và các hạng nô tỳ được
miễn quân dịch, còn tất cả các hạng đinh tráng đều phải tuyển. Nếu là quân Ngự tiền Võ đội
và quân Thiết đột mà có từ một đến ba con trai thì một được miễn binh dịch. Đối với các gia
đình quân, dân thường có từ 3 đinh tráng trở lên thì được miễn giảm một người, còn thì đều
phải chịu nghĩa vụ binh dịch. Năm Ất Mão (1435), triều đình quy định tuyển người khoẻ
mạnh để bổ sung quân.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.