Với cách tuyển trên, triều Lê Sơ không cần phải "bắt" mà vẫn có đủ số quân khi cần.
Đã có lúc vua Lê Thánh Tông huy động một lúc tới 26 vạn quân (cuộc chinh phạt Chiêm
Thành năm Tân Mão - 1471). Những dân đinh hạng Tráng, sau khi nhập ngũ được phân chia
về các vệ, sở Thân binh là lực lượng tin cậy nhất của triều đình nên nhà Lê thường lựa chọn
những con cháu các quan văn võ không học hành đỗ đạt sung vào. Năm Quý Mão (1483), Lê
Thánh Tông quy định: Con thứ các quan nhất, nhị phẩm; con trưởng quan tam phẩm; cháu các
Công, Hầu, Bá, không biết chữ thì sung làm Tuấn sĩ vệ Cẩm Y; con thứ quan tam phẩm và
con các quan từ tứ phẩm đến bát phẩm không học hành sung vào quân vệ Vũ lâm.
Tất cả các hạng quân đều được cấp ruộng đất công theo thứ bậc với khẩu phần từ 4
đến 8 phần rưỡi. Khẩu phần của binh lính trong chế độ quân điền được ưu tiên hơn các thành
phần khác. Với số ruộng được quân cấp, quân lính được chia ban về làm ruộng theo chế độ
“ngụ binh ư nông”. Thời Lê Thái Tổ, quân lính được chia làm 5 phiên, chỉ giữ 1 phiên tại ngũ
để thường trực, còn 4 phiên thay nhau về sản xuất. Năm Bính Tuất (1466), Lê Thánh Tông đổi
lại lệ chia phiên, chia quân số thành 2 ban, cứ lần lượt thay nhau một ban tại ngũ, một ban về
làm ruộng. Việc sửa đổi này nhằm tăng cường thêm số quân thường trực tại ngũ.
Chế độ tuyển binh thời Lê Sơ lúc đầu chưa có quy chế rõ ràng nhưng sau một thời
gian do nhu cầu phát triển của nhà nước quân chủ chuyên chế và nhu cầu quốc phòng, những
quy chế về tuyển chọn dần được thể chế hoá, đến thời Lê Thánh Tông được hoàn thiện.
Hơn tất cả các vị vua khác, Lê Thánh Tông là một ông vua rất coi trọng công việc
tuyển chọn binh tráng bổ sung quân ngũ. Ông ý thức rất rõ rằng muốn xây dựng một quân đội
thiện chiến, hùng mạnh phải bắt đầu ngay từ việc tạo dựng một nguồn dự trữ nhân lực dồi
dào, phải tuyển lựa được những đinh tráng khoẻ mạnh nhất. Trong 38 năm cầm quyền, Lê
Thánh Tông đã 10 lần tổ chức tuyển chọn đinh tráng bổ sung quân ngũ vào các năm: 1460,
1465 (2 lần), 1467, 1470, 1471, 1475, 1481, 1486, 1491. Trung bình cứ 3,8 năm có một đợt
quân đội được bổ sung những người khoẻ mạnh, giảm bớt những người già yếu. Do được chú
trọng nên quân đội thời kỳ này hùng mạnh, lập được nhiều chiến công trong bảo vệ và mở
mang lãnh thổ.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Phép tuyển binh đời Hồng Đức rất rõ ràng chu
đáo. Bấy giờ dân đinh không ai sót tên trong sổ mà số binh thường có nhiều là vì kén chọn
được đúng số. Ba năm một lần xét lại tưởng như phiền phức, nhưng quy chế đã nhất định, dân
cũng yên lòng)”
34
.
Đối với Cấm binh, lính Thị vệ bảo vệ Cấm thành, triều Lê Sơ có chế độ tuyển chọn
riêng, với những tiêu chuẩn cao hơn. Ngoài sức vóc còn chú ý đến phẩm chất, lòng trung
thành của họ. Thường đó là lớp con em những gia đình giàu có, là những người đã trải qua rèn
luyện, trưởng thành trong quân ngũ; là con em của các võ quan, của Cấm quân, con cháu các
công thần, quan lại cao cấp được hưởng quyền tập ấm. Tóm lại, đó là các thành phần có
quyền lợi gắn liền với giai cấp thống trị, hàng ngũ quý tộc phong kiến.