Bảo vệ biên cương luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia bởi biên giới là
"phên dậu”, là vấn đề nhạy cảm và tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh của mỗi nước. Lãnh thổ quốc
gia chỉ được bảo toàn khi biên cương được giữ vững.
Trước những âm mưu cướp phá, lấn chiếm của các thế lực nội phản và lân bang, để
giữ vững chủ quyền, bảo toàn lãnh thổ quốc gia, ổn định tình hình đất nước, triều đình Lê Sơ
luôn chủ động trong việc phòng giữ, bảo vệ lãnh thổ các vùng biên giới.
Trong những năm đầu của triều đại Lê Sơ, ánh hào quang của chiến công đánh thắng
quân xâm lược nhà Minh đang lan toả. Trước uy thế của người chiến thắng, các quốc gia láng
giềng ở phía Nam và phía Tây của Đại Việt phải kiêng nể và chủ động đến xin đặt quan hệ
ngoại giao với nhà Lê. Nhưng điều này không đồng nghĩa với vấn đề biên giới và lãnh thổ nhà
Lê sẽ được đảm bảo không có tranh chấp, trong điều kiện Đại Việt phải đối diện thường trực
với nhiều quốc gia phong kiến lớn mạnh ở thế kỷ XV như đế chế Minh ở phía Bắc, Ai Lao ở
phía Tây và Chămpa ở phía Nam.
Trong điều kiện đất nước thái bình, các vua Lê vẫn luôn cảnh giác, coi việc an toàn
lãnh thổ và bất khả xâm phạm của biên giới là công việc trọng yếu, không thể sao nhãng bởi
giữ vững biên cương có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng, phát triển
đất nước thành một quốc gia cường thịnh, khiến "người nước ngoài vị nể, man di bốn cõi đều
phục”.
Tư tưởng tích cực, chủ động phòng giữ biên cương của vương triều Lê Sơ được bắt
đầu từ nhận thức về đất đai, bờ cõi và được biểu hiện rõ nét ở những chính sách, biện pháp cụ
thể của nhà nước trong quá trình quản lý và bảo vệ lãnh thổ biên giới.
Lê Thái Tổ ngay khi nắm quyền cai quản đất nước, đã rất quan tâm đến cương giới
quốc gia. Mặc dù chỉ ở ngôi 6 năm, nhưng với kinh nghiệm của người cầm quân bao phen
“vào sinh ra tử" đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại chủ quyền quốc gia, dân tộc, Lê Thái Tổ
đã có tầm nhìn chiến lược về vấn đề biên cương lãnh thổ. Trong những năm đầu ở ngôi, sự bất
an ở vùng biên cương phía Bắc luôn là mối lo của vị vua sáng lập vương triều. Tại vùng biên
giới Tây Bắc luôn xảy ra cuộc nổi dậy chống đối chính quyền trung ương của các tù trưởng
người dân tộc thiểu số. Để giữ yên vùng biên cương, năm Tân Hợi (1431), hai lần đích thân
nhà vua phải cầm quân đi chinh phục. Sau khi dẹp xong nội loạn, trên đường trở về Kinh, Lê
Thái Tổ đã có bài thơ khắc vào vách núi Hào Tráng:
Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan
Già vẫn nguyên còn sắt đá gan
Hào khí nghìn ma đều quét sạch
Tráng tâm muôn núi cũng bằng san
Biên phòng tất khéo mưu phương lược