mang lễ vật sang xin giảng hoà, nối lại quan hệ hoà hiếu. Triều đình nhà Lê cũng cho sứ sang
nước Chămpa đáp lễ, củng cố thêm tình láng giềng thân thiện giữa hai quốc gia. Trong đời
vua Lê Thái Tông, quan hệ bang giao giữa hai nước đã được nối lại.
Năm Tân Dậu (1441), Ba Đích Lại chết, cháu là Bí Cai lên nối ngôi (1441-1446). Bí
Cai cho người sang cống và xin thần phục triều Minh, muốn dựa vào nhà Minh chống lại Đại
Việt Năm Quý Hợi (1443), vua Lê Thái Tông mất, Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi. Mặc dù thực
lực không mạnh, nhưng chớp cơ hội triều Lê đang gặp khó khăn, năm Giáp Tý (1444), Bí Cai
dẫn quân Chămpa theo đường thủy tiến vào vây hãm thành Hoá Châu, cướp bóc các vùng lân
cận. Tướng nhà Lê trấn thủ thành Hoá Châu là Lê Chuyết phải dùng kế cho quân đào đường
ngầm xuyên qua thành, bất ngờ tung quân ra đánh, tiêu diệt và bắt được nhiều tù binh, buộc
Bí Cai phải lui quân. Ít ngày sau, quân Chămpa lại kéo đến đánh úp Hóa Châu lần thứ hai
nhưng cũng thất bại. Trước các cuộc tiến công liên tiếp của quân Chămpa, triều đình Lê liền
phái Thái bảo Lê Bôi và tướng Lê Khả đem 10 vạn binh vào tiếp ứng khiến quân Chămpa
không chống đỡ kịp phải vội vã rút quân về bên kia biên giới. Năm Ất Sửu (1445), một lần
nữa Bí Cai lại đem quân vào cướp phá thành An Dung ở Hoá Châu. Lúc này đang là mùa lụt,
Lê Chuyết lợi dụng nước sông dâng cao chỉ huy thuỷ binh đang đêm tiến công vào đội hình
của quân Chăm, tiêu diệt được nhiều tên và bắt được hơn 200 chiến thuyền. Bí Cai cùng tàn
quân ngay trong đêm phải tìm đường trốn chạy. Thừa thắng, Lê Chuyết cho quân đuổi theo
khiến quân Chămpa phải bỏ thuyền lên bộ theo đường nơi mới chạy thoát về nước.
Tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của quân dân Thuận Hoá đã được vua Lê Nhân
Tông khen ngợi và ban chiếu dụ tha tô thuế trong 3 năm cho những ấp nào bị giặc cướp phá.
Tổng quản Lê Chuyết được ca ngợi là "bức tường dài muôn dặm ở phương Nam".
Những cuộc xung đột biên giới diễn ra trong thời gian này đều do phía Chămpa phát
động với mục đích giành lại vùng đất Thuận Hoá. Còn với triều Lê, đây thực sự là những cuộc
chiến đấu mang tính tự vệ, nhằm bảo toàn cương giới lãnh thổ quốc gia; bởi, Thuận Hoá mặc
dù là đất cũ của Chiêm Thành (châu Ô và châu Lý), nhưng từ năm 1306 vua Chế Mân đã cắt
dâng cho vua Trần làm đồ sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Vùng đất này đã được sáp nhập
vào lãnh thổ Đại Việt và được khai thác qua nhiều đời, cư dân ở đây phần lớn là người Việt.
Những hành động cướp phá biên giới liên tục của Chămpa khiến triều đình Lê Sơ
không thể làm ngơ, phải xuất quân đánh dẹp. Tháng giêng năm Bính Dần (1446), vua Lê
Nhân Tông sai đô đốc Lê Thụ, Lê Khả, thiếu phó Lê Khắc Phục thống lĩnh 60 vạn quân đi
đánh Chămpa.
Tháng 2, quân nhà Lê tiến vào đất Chămpa, đến các xứ Ly Giang (nay thuộc đất Thăng
Bình, Quảng Nam), Đa Lang, Cổ Lũy (nay thuộc đất Quảng Ngãi). Sau khi khai thông đường
thuỷ, dựng đồn đắp thành lũy, đánh tan các đạo quân phòng thủ biên giới của nước Chămpa,
quân nhà Lê tiến thẳng vào cửa biển Thị Nại (thuộc Quy Nhơn), bao vây thành Chà Bàn. Sau
một thời gian vây hãm, lại có một bộ phận quân Chămpa làm nội ứng, đến tháng 4, quân nhà