liền với sự phá sản của phép quân điền, cuộc sống của đông đảo nông dân làng xã dần bị bần
cùng hoá.
Bộ phận ruộng tư ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII - XVIII đã phát triển một cách không
bình thường (nghĩa là không hoàn toàn thông qua việc mua bán một cách hợp pháp). Các loại
ruộng ban cấp, bổng lộc của tầng lớp quan liêu (trong đó có loại ruộng thế nghiệp, được kế
thừa cho con cháu), kể cả những ruộng khẩu phần của dân chúng, qua một thời gian lịch sử
dài, đã có nhiều xáo động, dần dần biến thành ruộng tư. Chiến tranh loạn lạc, đồng ruộng bỏ
hoang. Những ruộng bãi khẩn hoang sau đó, gọi là ruộng thông cáo, chiếm xạ, được miễn
giảm thuế, một số lớn cũng trở thành ruộng tư. Phần lớn ruộng tư đã được đem phát canh cho
tá điền với mức tô phổ biến là 50%
13
. Một số quý tộc và nhà giàu đã đem ruộng tư hiến cho
nhà chùa làm công đức.
Trong một thời gian dài, nhà nước Đàng Ngoài chưa ý thức đúng mức về sự phát triển
của ruộng tư. Các ruộng tư đều được miễn thuế, hàm ý đây không phải là ruộng của nhà nước
cho thu tô (tức đánh thuế). Nhưng khi tỷ lệ ruộng tư trong xã hội ngày một cao, nhà nước bị
thất thu một số lớn tiền thuế đáng lý có thể nộp vào ngân sách.
Cùng với sự phát triển của ruộng tư, lúc này bộ phận ruộng công làng xã ở Đàng
Ngoài đã không ngừng bị thu hẹp và phép quân điền dần bị phá sản.
Dù vậy, trong khoảng thời gian hai thế kỷ rưỡi tồn tại, triều Lê - Trịnh cũng có những
khoảng thời gian nhất định được coi là thịnh trị. Một số chúa Trịnh và quan đầu triều cố gắng
thi hành những chính sách chăm lo và cải thiện đời sống nhân dân. Các hoạt động buôn bán
với nước ngoài được mở ra tuy mức độ còn có hạn, nhưng đã góp phần cải thiện mức sống
của một số tầng lớp cư dân đô thị, những thợ thủ công và thương nhân. Song, do tình hình
kinh tế Đàng Ngoài, nhất là nông nghiệp, không có điều kiện phát triển ổn định, nên đời sống
của đại đa số nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ thế kỷ XVIII, nhất là từ khoảng giữa thế
kỷ, nạn mất mùa, đói kém xảy ra càng ngày càng nghiêm trọng; các mâu thuẫn xã hội phát
triển đến đỉnh điểm dẫn đến việc bùng phát các phong trào nổi dậy quyết liệt của nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, phong trào nổi dậy bùng lên rộng khắp, liên tục
và rầm rộ suốt từ miền xuôi đến miền núi, từ đồng bằng ven biển đến vùng Trung châu thổ...
làm rung chuyển cả Đàng Ngoài. Dù mỗi cuộc nổi dậy lúc đầu chỉ mang tính cục bộ, địa
phương, lấy một vùng làm trung tâm, nhưng càng về sau, các phong trào này đã liên kết và
mở rộng địa bàn. Khi cuộc nổi dậy này bị đàn áp, thì cuộc nổi dậy khác lại kế tiếp. Từ địa bàn
đầu tiên ở miền thượng Thanh Hoá, nghĩa quân Lê Duy Mật phát triển ra khắp thượng du
Thanh - Nghệ; từ Ninh Xá, nghĩa quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ đã thổi bùng ngọn lửa nổi
dậy, mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp vùng Hải Dương, Kinh Bắc. Từ căn cứ Đồ Sơn,
nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu đã phát triển sang Kinh Bắc, xuống Sơn Nam liên kết với Hoàng
Công Chất... Lấy Sơn Nam làm địa bàn khởi dựng, nghĩa quân của Hoàng Công Chất đã mở
rộng sang liên kết với Vũ Đình Dung, Nguyễn Hữu Cầu, rồi lên Tây Bắc liên kết với phong