Trái với xu thế đóng cửa, bế quan, tỏa cảng, một số nước châu Á đã
mạnh dạn mở cửa hội nhập với phương Tây và tiến hành duy tân đất nước.
Sau một thời kỳ đóng cửa để đề phòng nguy cơ bị phương Tây xâm lược,
Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra sự cấp thiết phải mở cửa. Năm 1868,
Nhật hoàng Minh Trị bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách đất nước. Trọng
tâm cải cách là phải mau chóng mở rộng quan hệ và tiếp thu kỹ thuật hiện
đại của phương Tây để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
trong nước. Cải cách Minh Trị thành công rực rỡ không chỉ giúp Nhật Bản
giữ vững độc lập dân tộc mà còn nhanh chóng trở thành một cường quốc ở
châu Á.
Mặc dù Thái Lan may mắn ở vào vị trí khu đệm giữa các thuộc địa
của Anh và Pháp nhưng Vua Mongkut (Rama IV) vẫn phải ký những hiệp
ước bất bình đẳng trao nhiều quyền lợi về kinh tế, chính trị và lãnh thổ cho
Anh là Pháp. Phải đến thời kỳ Chulalongkorn (Rama V) trị vì thì tình hình
Thái Lan mới có những bước phát triển đáng kể. Là một người có đầu óc
cấp tiến, Rama V từng bước xé bỏ các điều khoản bất bình đẳng mà vua
cha đã ký với phương Tây. Đồng thời Rama V còn thực thi nhiều biện pháp
cải cách đất nước theo mô hình tư bản phương Tây. Kết quả là Thái Lan
không bị rơi vào tình trạng thuộc địa như các nước láng giềng. Đời sống
kinh tế, văn hóa và xã hội ở Thái Lan có nhiều khởi sắc mới.
Nhìn chung, thế kỷ XIX là thế kỷ bản lề, chứa đựng đầy những biến
động lịch sử của xã hội châu Á mà nổi bật là những cuộc xung đột Đông -
Tây dữ dội. Các nước châu Á vừa phải đối diện vừa phải tìm cách tự vệ
trước làn sóng xâm lược đến từ các nước thực dân phương Tây. Có nhiều
quốc gia đã lựa chọn con đường đóng cửa tuyệt giao với phương Tây và
cuối cùng là cầm vũ khí để chống lại phương Tây. Có một số quốc gia, như
Nhật Bản và Thái Lan, đã sớm tiến hành canh tân đất nước và chủ động hội
nhập với phương Tây. Canh tân được coi là chiến lược và là vũ khí hữu
hiệu để bảo vệ đất nước. Thế kỷ XIX ra tạo ra những thách thức to lớn vừa
tạo ra những cơ hội thúc đẩy tự phát triển của châu Á.