đã trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Trên
thực tế, triều Nguyễn không thể ngăn cản được nạn bao chiếm ruộng tư ở
nông thôn. Một số chính sách nông nghiệp tiến bộ như doanh điền, khai
hoang, mở làng và lập ấp để chiêu mộ dân xiêu tán vẫn chưa đủ để triều
Nguyễn có thể giải quyết được những bế tắc trong nông nghiệp.
Thêm vào đó, chính sách cấm thương với phương Tây của triều
Nguyễn đã làm cho thương nghiệp Việt Nam ngày càng giảm sút.
Về xã hội: Triều Nguyễn khi tái lập chính quyền đã không được
lòng đông đảo dân chúng, nhất là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Một số chính
sách xơ cứng và hà khắc của triều Nguyễn ngày càng làm mất lòng dân.
Triều Nguyễn tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn các tệ nạn quan lại tham
nhũng, cường hào hà hiếp nhân dân. Đời sống của nhân dân vô cùng cực
khổ, nhất là vào những năm thiên tai, địch họa dẫn đến mất mùa. Nhiều
nông dân không sống nổi ở làng phải bỏ đi xiêu tán khắp nơi. Trong khi
nhân dân đói khổ thì triều đình lại lãng phí nhiều tiền bạc vào việc xây
dựng thành quách, lâu đài, cung điện, lăng tẩm. Tiếng oán thán của nhân
dân vang lên khắp nơi: "Con ơi nhớ lấy câu này: Cướp đêm là giặc, cướp
ngày là quan"; "Vạn Niên là Vạn Niên nào, Thành xây xương lính, hào đào
máu dân". Làn sóng dân chúng bất mãn với triều đình ngày một dâng cao.
Đã nổ ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ chống chính quyền của các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của nông dân. Chưa có một triều đại phong
kiến nào trong lịch sử Việt Nam lại xảy ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống
chính quyền như ở dưới triều Nguyễn. Chính những khó khăn nội tại trong
nước nảy sinh ngày càng nhiều đã làm cho triều Nguyễn luôn ở trong tình
trạng bất ổn.
Về chính sách đối ngoại: Cũng giống như nhà Thanh, triều Nguyễn
buộc các tiểu quốc láng giềng như Chân Lạp và Cao Miên phải thần phục
bằng việc thực hiện chế độ cầu phong và triều cống, nhưng lại tỏ ra hết sức
lúng túng trong chính sách ngoại giao với phương Tây.