không kiểm soát được hải phận, thậm chí còn không đối phó được với bọn
hải tặc Trung Hoa. Cho nên, dưới triều Nguyễn, đặc biệt là thời Vua Thiệu
Trị và Vua Tự Đức, bọn hải tặc thường xuyên lộng hành, tha hồ cướp phá
dọc bờ biển từ Bắc vào Nam mà triều đình đành bất lực. Chống nạn hải tặc
còn không nổi thì triều Nguyễn làm sao có thể đối phó với các đội quân
xâm lược nhà nghề mạnh mẽ gấp bội của phương Tây. Triều Nguyễn không
có đủ tiềm lực để liên tục mua sắm vũ khí mới của phương Tây. Do kỹ
thuật kém, chủ yếu là mô phỏng, nên phần lớn những vũ khí do thợ quân
giới của triều đình làm ra đều có chất lượng kém.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và giành lại độc lập dân
tộc, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, cha ông ta đã đúc rút được nhiều bài học
kinh nghiệm đánh giặc giữ nước vô cùng quý báu. Đó là:
1. Biết lượng sức mình: Lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy
ít địch nhiều, tránh thế giặc mạnh lúc ban mai và đánh địch suy yếu lúc
chiều tàn...
2. Dựa trên tinh thần chính nghĩa: "Đem đại nghĩa để chống hung
tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo" (Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi).
3. Lấy dân làm gốc (dĩ dân vi bản): Đây là tư tưởng xuyên suốt và
là sức mạnh làm lên thắng lợi của các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại
xâm. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc từng lãnh
đạo nhân dân ta ba lần đánh thắng giặc Mông - Nguyên hung hãn, đã đúc
kết những nguyên lý giữ nước: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả
nước chung sức". Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc trong cuộc kháng
chiến chống giặc Minh đã nhấn mạnh đến vai trò quyết định của dân: "Chở
thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân". Cả Trần Quốc Tuấn và
Nguyễn Trãi đều có chung quan điểm là biết chăm lo đến dân: "Khoan thư
sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc" (Trần Quốc Tuấn), "Yêu thương và nuôi
dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hờn sầu
than" (Nguyễn Trãi). Hai nhà chính trị, quân sự lỗi lạc đã chỉ ra sức mạnh
to lớn nhất của dân tộc là sức dân. Sức dân có mạnh thì nền tảng xã hội mới