a) Thời kỳ 1862 - 1873
Chủ trương phòng thủ là một thất sách lớn của triều đình, nhưng
điều tai hại hơn là trước sức tấn công dữ dội của giặc Pháp, nội bộ triều
đình đã sớm có sự phân hóa và nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Điều này đã làm
cho bộ máy lãnh đạo kháng chiến bị phân tán trầm trọng và không đưa ra
được một quyết sách chống giặc Pháp thống nhất.
Mặc dù chiếm được Gia Định, nhưng với lực lượng quân sự hiện tại
thực dân Pháp nhận thấy chưa đủ sức mở rộng phạm vi đánh chiếm ra toàn
Việt Nam nên đã khôn khéo gửi thư cho triều đình Huế tỏ ý muốn giảng
hòa. Sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận gay gắt giữa các
nhóm đình thần trong triều về việc nên thủ hay công, hòa hay chiến.
Nhóm thứ nhất gồm các viên quan đứng đầu Viện cơ mật như:
Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản và Lưu Lượng. Lưu Lượng trình bày
quan điểm của mình trước Vua Tự Đức như sau: "Bãi việc binh đao cho
dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng
cần giữ cho chắc rồi sau sẽ bàn (...). Giặc lấy thuyền bền súng nhạy làm
nghề giỏi ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với
họ. Về kế sách thì hiện giờ nên lấy thế thủ làm chính. Giữ có vững vàng rồi
sau mới có thể nói đánh hay hòa được. Nếu trước hết mà giữ không chắc thì
chiến đã không được, lại e rằng hòa cũng không đủ trông cậy. Đến như
cách công thủ Hoàng thượng đã chỉ thị đủ rồi, không thiếu gì nữa. Cứ theo
cách đó mà làm thì cũng đủ đánh giặc"
20
.
Nhóm thứ hai gồm: Trần Văn Trung, Trương Quốc Dụng, Chu Phúc
Minh, Lâm Duy Thiếp, Phan Huy Vịnh, Phạm Chi Hương, Nguyễn Xuân
Hãn, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Luận, Lê Đức và Vũ Xuân Sắc. Theo
họ, cách đánh giặc cốt giữ vững là hơn và cách giữ cần phải nuôi sức vững
chắc và tùy cơ ứng phó. Để chứng minh quan điểm này, Lê Đức đã luận
giải như sau: "Giặc Tây dương, thói thường vẫn đem quân đi khiêu khích
nước ngoài; nước nào đánh nhau với nó, nếu được thì nó đánh mãi, chiến