đạo, Pháp mới không nghi) ở huyện Tân Hòa, một nhà ở Gia Định, chuẩn
bị thật chu đáo bí mật (...). Đến đêm khởi sự, một mặt tôi dùng kế phá đê
ngăn nước thì các thuyền Tây ở mặt dưới, không kể lớn nhỏ, đều sẽ bị
chìm"
38
. Nhưng do nghi ngờ Nguyễn Trường Tộ là người Công giáo và đầu
óc vốn nặng tư tưởng cầu hòa nên triều Nguyễn đã bỏ lỡ một cơ hội thuận
lợi hiếm có này.
Nguyễn Trường Tộ nhiều lần gửi điều trần lên triều đình nhấn mạnh
sự cần thiết phải chỉnh đốn lại quân đội và quốc phòng, coi đó là nhiệm vụ
trọng tâm hàng đầu. Theo ông, lúc này phải trọng võ học hơn văn học. Các
nước phương Tây do trọng võ nên họ mới có thể dọc ngang bốn bể. Vì vậy,
ta nên gắng sức học tập kỹ thuật, mua sách và mời chuyên gia quân sự
phương Tây về huấn luyện quân đội: "Phải mua các sách binh pháp thủy bộ
của phương Tây dịch ra để tham khảo học tập. Đồng thời rước những người
phương Tây giỏi về quân sự phối hợp với võ quan ta huấn luyện binh sĩ
mỗi ngày"
39
. Bên cạnh việc trang bị vũ khí, huấn luyện và cấp lương đầy
đủ, cần phải tạo được mối quan hệ tốt giữa tướng lĩnh và binh lính, giữa
binh lính với nhau: "Khi ra trận, binh sĩ có vui vẻ hay không là do lúc bình
thường ta có tạo được tình cảm gắn bó ân tình với nhau hay không. Nếu
binh sĩ không có tinh thần chiến đấu thì dù có những phương pháp hay
cũng trở thành bánh vẽ". Võ quan thì phải chọn những người giỏi, lính quý
mạnh và tướng quý mưu, quân cần tinh nhuệ chứ không cần nhiều. Trong
lúc hòa hoãn, triều đình phải chỉnh đốn uy thế quân sự quốc gia, chọn nơi
hiểm yếu đắp thêm thành lớn và thành dự bị phòng khi rút lui, dự trữ vật
liệu, chế tạo vũ khí mới, xây dựng những chỗ ẩn nấp khắp bốn phương tám
mặt trong và ngoài kinh thành.
Nhìn chung, quan điểm của một số nhà canh tân, điển hình là
Nguyễn Trường Tộ, là hòa với thực dân Pháp chỉ là biện pháp tạm thời,
nhằm tranh thủ thêm thời gian cải cách đất nước và xây dựng thực lực
kháng chiến vững mạnh để đủ sức đánh thực dân Pháp giành thắng lợi.