Trung Trung Kỳ sau năm 1888 hầu hết đều đi vào thoái trào, thì ở Bắc Kỳ
và Bắc Trung Kỳ phong trào chống thực dân Pháp tuy có bị thu hẹp lại,
nhưng lại đi vào chiều sâu và quy tụ vào các cuộc khởi nghĩa có quy mô
lớn như Bãi Sậy, Ba Đình, Hùng Lĩnh và Hương Khê.
Nhìn chung, từ năm 1885 đến năm 1888 có hai chính quyền phong
kiến cùng song song tồn tại ở nước ta. Một bên là triều đình Đồng Khánh
do thực dân Pháp lập lên ở Kinh đô Huế, một bên là triều đình kháng chiến
do Hàm Nghi đứng đầu. Triều đình Đồng Khánh được sự ủng hộ của thực
dân Pháp và bọn tay sai bán nước. Triều đình Hàm Nghi được sự ủng hộ
của đông đảo văn thân, sĩ phu yêu nước. Sự phân chia này đã tác động
không nhỏ tới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Trong khi triều đình Huế đã đầu hàng và trở thành tay sai cho thực
dân Pháp, đánh mất vai trò lãnh đạo phong trào kháng chiến thì có "một bộ
phận phong kiến, một số người sĩ phu trí thức thấy rõ quyền lợi của phong
kiến cũng chỉ là quyền lợi làm tay sai cho đế quốc, nên đã đứng lên chống
đế quốc Pháp. Nhưng tinh thần phản đế cứu nước mạnh mẽ trong tầng lớp
này không phải căn bản dựa trên sinh lực một phần nào của chế độ phong
kiến còn sót lại, mà chính là tinh thần độc lập của dân tộc, cơ sở văn hóa
nghìn năm của dân tộc, đang sinh sống trong những người trí thức dân tộc,
trong quần chúng lao động bột phát dưới ngọn cờ Cần Vương"
87
.
Đa phần những người lãnh đạo phong trào Cần Vương xuất thân từ
tầng lớp sĩ phu quan lại phong kiến. Họ chiến đấu chống thực dân Pháp
không phải để bảo vệ lợi ích giai cấp mà là vì lợi ích dân tộc. Thực tế là họ
đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi giai cấp. Khi các Vua Tự Đức,
Dục Đức, Hiệp Hòa và Đồng Khánh tỏ rõ tư tưởng sợ giặc và đầu hàng
giặc, rất nhiều sĩ phu đã cương quyết phản đối và tỏ rõ quyết tâm kháng
chiến. Thế nhưng họ vẫn chưa vượt qua được ý thức hệ phong kiến, nhất là
tư tưởng trung quân. Bản thân họ rất muốn có một vị vua sáng để giương
cao ngọn cờ quy tụ nhân tâm cả nước đánh thực dân Pháp. Đến khi Vua
Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương cứu nước thì tư tưởng trung quân ái quốc