lại sống dậy mạnh mẽ trong họ. Dưới cờ nghĩa Cần Vương, họ lập tức dấy
lên một cao trào chống thực dân Pháp vô cùng sôi nổi và mạnh mẽ. Nhưng
sau khi Tôn Thất Thuyết sang Trung Quốc cầu viện (1886) và Vua Hàm
Nghi bị bắt (1888), triều đình kháng chiến không còn nữa và cuộc đấu tranh
giữa phái chủ chiến với phái chủ hòa trong nội bộ tầng lớp quan lại chấm
dứt. Các văn thân, sĩ phu biết không thể nào tỏ lòng trung với triều đình
Huế đầu hàng, trong lòng họ chỉ còn lại hai chữ "ái quốc" mà thôi. Mặc dù
vẫn lấy danh nghĩa Cần Vương, nhưng từ đây họ đã thuộc về nhân dân, tự
mình giành lấy và giương cao ngọn cờ cứu nước. Cũng từ đây, cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp do họ lãnh đạo hoàn toàn mang tính chất nhân
dân. Nó phản ánh cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại thực
dân Pháp xâm lược để giành lại độc lập dân tộc.
b) Tư tưởng chống thực dân Pháp của các văn thân, sĩ phu
Do không còn chịu sự chi phối của tư tưởng trung quân, lại nắm
toàn quyền tổ chức và lãnh đạo kháng chiến nên các sĩ phu bên cạnh phát
huy tư tưởng truyền thống đã sáng tạo thêm nhiều phương thức đánh địch
độc đáo.
- Phát huy sức mạnh của nhân dân, coi đó là nền tảng của kháng
chiến
Nổi bật và xuyên suốt tư tưởng của các văn thân, sĩ phu yêu nước là
tinh thần dựa vào dân, tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân. Họ đã
cương quyết và dứt khoát đứng về phía nhân dân để đấu tranh sinh tử với
quân thù. Đây chính là mạch nguồn sâu thẳm làm nên sức mạnh kiên cường
và bền bỉ của phong trào. Họ thiết tha kêu gọi mỗi tầng lớp nhân dân đứng
lên chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương:
"Ai có sức giúp sức
Ai có lực giúp tài
Lính các tỉnh sót ai