đã vận dụng nhiều cách đánh địch rất linh hoạt và biến hóa khôn lường
như: rút quân khi bị bao vây để nhử cho quân Pháp tiến sâu vào nơi đã
được chuẩn bị rồi tập trung lực lượng đánh phản công bằng những đòn
quyết định gây cho địch nhiều thiệt hại. Chính lối đánh du kích này làm cho
quân Pháp rất khó chịu: "50 vạn dân của 6 huyện (trong số 14 huyện của
tỉnh Bắc Ninh) đã nhiệt liệt đi theo Đội Văn và hầu như nằm ngoài sự kiểm
soát của chúng ta (quân Pháp - BT). Đội Văn đã tuyển mộ 300 đồng đảng
khỏe mạnh, dũng cảm, kỷ luật. Một nửa lực lượng này được vũ trang bằng
súng trường, nửa còn lại thì vũ trang bằng súng mổ cò và gươm giáo các
loại... Nghĩa quân sử dụng vũ khí rất thành thạo"
104
.
Khác với lối đánh du kích đa dạng và biến hóa của nghĩa quân Bãi
Sậy, các thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình lại chọn cách đánh cố thủ trong thành.
Lực lượng nghĩa quân có khoảng 300 người và được chia thành 10 toán,
mỗi toán do một hiệp quản chỉ huy. Số lượng tuy không nhiều, nhưng lợi
dụng địa hình, địa vật, nghĩa quân đã áp dụng chiến thuật mật phục, đợi cho
giặc tới gần rồi từ trong bắn ra. Kiểu phòng thành như thế ban đầu tỏ ra rất
có hiệu quả. Quân Pháp đã liên tiếp mở nhiều cuộc tấn công lớn vào căn cứ
Ba Đình nhưng đều bị thất bại. Sau nhiều lần tấn công không thành, quân
Pháp đã phải thay đổi chiến thuật: lập đồn, đắp lũy dày đặc xung quanh căn
cứ Ba Đình và ngày đêm nã đại bác liên tục vào khu căn cứ. Đồng thời,
đêm đêm chúng cho binh lính bắt dân phu vác củi dàn hàng ngang đi trước
vừa làm bia đỡ đạn, vừa chuẩn bị làm mồi lửa đốt căn cứ nghĩa quân. Đối
phó với âm mưu của giặc, nghĩa quân Ba Đình dùng loa kêu gọi binh lính
nguỵ quay súng lại đánh thực dân Pháp, bình tĩnh đợi địch đến gần mới nổ
súng khiến chúng không sao tiến vào được, buộc phải tháo lui. Điểm mạnh
của căn cứ Ba Đình là khả năng phòng thủ, còn điểm yếu lại là khả năng
tấn công và thoái lui. Trên một địa bàn khá bằng phẳng, quân địch dễ dàng
xây dựng một hệ thống đồn bốt để xiết chặt vòng vây. Mặt khác, các hệ
thống công sự phòng thủ đã bị phá tan trước sức mạnh của pháo binh địch.
Sau nhiều ngày kháng cự, thế mạnh phòng thủ không còn, căn cứ Ba Đình
trở nên trơ trọi, nghĩa quân bị quân Pháp đàn áp.