tâm kháng chiến. Họ chiến đấu để bảo vệ những quyền lợi thiết thân trước
mắt (giữ đất, giữ làng) và đánh đuổi bọn cướp nước giành lại độc lập tự do
(giải phóng đất nước). Mục tiêu riêng và chung đó không tách rời nhau mà
hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Đến cuối thế kỷ XIX, phong trào nông dân
chống thực dân Pháp vẫn phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu nhất là cuộc khởi
nghĩa Yên Thế.
Khởi nghĩa Yên Thế là cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài nhất trong
lịch sử chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, với gần 30 năm
(1884-1913). Trong thời kỳ đầu (1884 - 1892), ở Yên Thế có rất nhiều đội
nghĩa quân hoạt động như nghĩa quân của Đề Công, Đề Dương, Đề Hà,
Thống Luận, trong đó lực lượng nghĩa quân của Đề Nắm là lớn nhất và có
uy tín nhất. Năm 1892, Đề Nắm chết, Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lên
nắm quyền chỉ huy nghĩa quân Yên Thế. Ông chiêu tụ các đội nghĩa quân
đang hoạt động riêng lẻ ở Yên Thế và xây dựng thành một lực lượng chống
thực dân Pháp lớn nhất cả nước lúc đó. Đường lối đánh giặc của nghĩa quân
Yên Thế được thể hiện ở những điểm sau:
Về lực lượng: Nghĩa quân chủ yếu là những nông dân vùng Yên
Thế (Bắc Giang). Họ vốn từ nhiều vùng miền, nhất là ở vùng đồng bằng
Bắc Bộ, hợp về Yên Thế mở làng, lập xóm. Khi thực dân Pháp đánh chiếm
Bắc Kỳ, tấn công lên Yên Thế, để bảo vệ quê hương, những người nông
dân Yên Thế đã tự động đứng lên chống Pháp. Họ thành lập nhiều đội
nghĩa quân và cuối cùng tụ hợp lại dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Đề Thám.
Bên cạnh lực lượng tại chỗ, khởi nghĩa Yên Thế còn thu hút được nhiều
nhân sĩ và nghĩa sĩ ở các địa phương khác, nhất là khi phong trào Cần
Vương thất bại.
Về căn cứ: Cũng như nhiều cuộc khởi nghĩa trước đó, Đề Thám và
nghĩa quân đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên hiểm trở để xây dựng các căn
cứ chống Pháp ở Yên Thế. Căn cứ Yên Thế nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang,
có diện tích rộng chừng 40 đến 50 km
2
, có nhiều cây cối rậm rạp, và gò bụi
um tùm. Từ Yên Thế có thể dễ dàng di chuyển đến Thái Nguyên, Vĩnh Yên