cách tổ chức này, nghĩa quân đã bảo đảm được những điều kiện thiết yếu
nhất cho một cuộc kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính.
Để tránh bị tổn thất lớn về lực lượng, Đề Thám đã phân chia lực
lượng của mình thành các đội quân nhỏ, đóng ở trong các đồn trại riêng lẻ.
Mỗi đồn trại có quân số khoảng trên dưới 50 người. Các đồn lớn và quan
trọng có quân số đông hơn. Đồn Phồn Xương có quân số gần 200 người.
Các đội nghĩa quân được đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của thủ lĩnh Đề
Thám. Bằng chiến thuật phân tán lực lượng, các đội nghĩa quân có thể kiểm
soát chặt chẽ địa bàn của mình, có khả năng chiến đấu độc lập và phối hợp
tác chiến khi tổ chức những trận đánh lớn.
Trong thời gian nghỉ chiến đấu, nghĩa quân tham gia sản xuất nhưng
vẫn phải thường xuyên luyện tập quân sự nhằm xây dựng một đội quân
thiện chiến, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu khi bị địch tấn công.
Dưới sự chỉ huy của Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế không những thiện
chiến mà còn rất dũng cảm và trung thành. Tài luyện quân của Đề Thám
được phía đối phương rất vị nể: "Rèn luyện và đào tạo những nghĩa quân...
thành những con người hoàn hảo trên chiến trường dũng cảm và quyết
đoán. Ông có một uy tín tuyệt đối... Ông biết duy trì kỷ luật.... phương thức
không cứng rắn, biết dùng những biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để xây
dựng sự tận tụy lòng trung thành"
111
. Do được tập luyện thường xuyên, liên
tục, nên nghĩa quân nắm vững các thao tác chiến đấu, vận dụng nhuần
nhuyễn, hiểu cặn kẽ địa bàn tác chiến của mình. Việc rèn luyện ý thức
chiến đấu được đề cao. Nghĩa quân không ngại khó, ngại khổ và phải có
tinh thần xả thân đánh giặc. Viên Tướng Frey chỉ huy trận đánh tại Cao
Thượng (cuối năm 1890), thừa nhận: "Trong trận này... quân số của địch
chắc chắn không quá 100 người, nhưng cuộc kháng cự diễn ra rất kịch liệt
và người ta không hiểu nổi tại sao một nhóm người ở trong một địa bàn nhỏ
hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 m và trong
một thời gian khá lâu như vậy"
112
.