Long, là một quốc gia thịnh vượng ở châu Á. Đây là một trong những
thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đất nước Việt Nam, được tích sứ
mệnh danh là kỷ nguyên văn minh Đại Việt, kỷ nguyên của nền văn
hóa Thăng Long nổi tiếng. Việc dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long
là bước chuyển quyết định và dứt khoát trung tâm phát triển của đất
nước từ vùng núi đồi hiểm trở đến vùng đồng bằng rộng lớn - vùng đất
quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ quốc gia độc lập, hùng cường. Bước chuyển dịch này như một mốc
son khẳng định sự trưởng thành của ý thức dân tộc Việt Nam, một dân
tộc đang vươn mình đứng dậy sau cả thiên niên kỷ bị đô hộ với chí lớn
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư". Trên một phương diện khác, sự
chuyển dịch từ trung tâm quân sự Hoa Lư ra trung tâm kinh tế Thăng
Long cũng cho thấy một triết lý phát triển sẽ làm nên những thế kỷ
vàng son kế tiếp của dân tộc. Chính từ đó, nền chính trị nặng tính quân
sự phòng thủ sẽ chuyển sang giai đoạn chính trị tự chủ ổn định vốn là
nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nước Đại Việt độc lập, đang vươn lên xây dựng một quốc gia
ngày càng có uy tín trong vùng, thì ở phương Bắc xuất hiện những thế
lực bành trướng, xâm lược lớn mạnh, nạn ngoại xâm vẫn thường
xuyên đe dọa. Vừa dựng nước vừa giữ nước là hai mặt không thể tách
rời của nhân dân Việt Nam, xuyên suốt lịch sử Việt Nam. Từ thế kỷ X
đến thế kỷ XV, không có thế kỷ nào dân tộc Việt Nam không phải
chống ngoại xâm. Trong năm thế kỷ phục hưng đất nước, quân dân
Đại Việt đã nhiều lần cầm vũ khí đánh giặc giữ nước và lập nên bao
chiến công hiển hách. Đó là hai lần kháng chiến chống Tống dưới thời
Tiền Lê (981) và thời Lý (1075-1077) do Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt
lãnh đạo; ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285,
1287-1288) dưới thời Trần với vị thống soái kiệt xuất Trần Quốc
Tuấn; đó là cuộc kháng chiến chống Minh dưới triều Hồ (1406-1407);
là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi và Nguyễn Trãi