quân thủy; trong quân bộ lại có nhiều thành phần bao gồm bộ binh, kỵ binh
và tượng binh.
Nét đặc thù trong cơ cấu lực lượng vũ trang triều Lý, Trần là
có quân vương hầu của các quý tộc thân thuộc nhà vua. Việc mộ quân,
tuyển quân vương hầu thực hiện theo lệnh của triều đình, tùy theo sự
cần thiết về phòng thủ của từng thái ấp. Nhìn chung, lực lượng này
trong thời bình không nhiều; khi có chiến tranh, các vương hầu được
phép phát triển lực lượng đó nhưng chịu quyền điều động, chỉ huy của
triều đình. Quân địa phương nằm trong hệ thống ngạch quân do các lộ,
phủ, châu tổ chức, quản lý, chỉ huy theo quy chế của triều đình. Lực
lượng này ngày thường thì bảo vệ an ninh trong vùng, khi có chiến
tranh thì làm nhiệm vụ đánh giặc tại chỗ hoặc có thể được điều động
kết hợp với quân chủ lực đánh giặc giữ nước. Còn dân binh (hương
binh ở đồng bằng, thổ binh ở miền núi) là bộ phận của lực lượng vũ
trang cơ sở ở làng xã.
Tuy có bốn thành phần lực lượng nhưng thực chất chỉ có ba loại
quân. Đó là quân chủ lực của triều đình, quân địa phương của lộ phủ, châu
và dân binh ở các làng xã, động bản. Ba loại quân đó kết hợp chặt chẽ với
nhau. Khi có chiến tranh, quân chủ lực làm nòng cốt đánh giặc, hỗ trợ quân
địa phương đứng vững trước quân giặc mạnh. Ngược lại, quân địa phương
kiềm chế, đánh giặc làm tiêu hao lực lượng của chúng để cho quân chủ lực
"rảnh tay" đánh những trận quyết định. Quân địa phương làm nòng cốt cho
dân binh, dân binh làm nòng cốt cho toàn dân chiến đấu. Với cơ cấu lực
lượng đó, thời Lý, Trần đã hình thành tư tưởng chỉ đạo và mô hình tổ chức
lực lượng vũ trang ba thứ quân của quốc gia Đại Việt.
Tuy nhiên, ngoài những điểm chung, so với thời Lý, thời Trần có
những nét đặc sắc riêng, phản ánh bước phát triển mới. Đó là do thời Trần
phải thường xuyên đối phó với những nguy cơ tiềm tàng bị xâm lược và
trên thực tế đã ba lần tổ chức kháng chiến chống quân Mông - Nguyên
hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc đó, nên để chiến thắng quân giặc mạnh về