Đặc công...) được thành lập và nhanh chóng trưởng thành. Đặc biệt,
các đơn vị chủ lực của bộ binh có bước phát triển mạnh về tổ chức với
quy mô từ cấp sư đoàn phát triển thành quân đoàn binh chủng hợp
thành (Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232) vào giai đoạn cuối của cuộc
kháng chiến. Đây là lực lượng cơ động chiến lược hoạt động trên địa
bàn cả nước, hoặc trên từng chiến trường theo yêu cầu nhiệm vụ để
tiến hành tác chiến tập trung, đánh quỵ lực lượng chủ chốt của đối
phương, giành thắng lợi trong chiến tranh cách mạng. Sự phát triển
của lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức chặt chẽ, gồm ba thứ
quân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng phản
ánh tính chất toàn dân rộng rãi tổ chức quân sự kiểu mới. Qua đó, ta
đã kết hợp xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở với lực lượng thường
trực, phát huy đầy đủ vai trò từng thứ quân, tạo nên phương thức đánh
giặc có hiệu quả, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cách mạng.
Như vậy, trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt
Nam đã sớm có tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang có tổ chức chặt
chẽ, cơ cấu nhiều thứ quân. Lịch sử của tư tưởng xây dựng lực lượng
vũ trang nhiều thứ quân có thể phân biệt làm hai thời kỳ lớn: thời
phong kiến, trong đó việc xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân
thể hiện chủ yếu nhu cầu chính quy hóa quân đội và thời hiện đại -
thời cách mạng, trong đó xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân
là một bộ phận trong tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn
diện. Qua đó, có thể thấy, tư tưởng này không ngừng được bổ sung và
phát triển qua các thời kỳ lịch sử, soi sáng cho việc xây dựng lực
lượng vũ trang trong thực tiễn. Tổ chức chặt chẽ, có nhiều thứ quân là
quy luật xây dựng lực lượng vũ trang của dân tộc Việt Nam.
IV. CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI "CỐT TINH", VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN