thắng giặc ở những trận then chốt, quyết định. Mặt khác, nước Việt
Nam dân không đông, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp,
năng suất thấp. Điều đó đòi hỏi cần phải tập trung nhiều nhân lực cho
sản xuất, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế để
cung ứng ngày càng nhiều sức của cho công cuộc kháng chiến cứu
nước, bảo vệ độc lập dân tộc.
Quan điểm xây dựng quân đội "cốt tinh" chi phối việc xây
dựng lực lượng vũ trang trong thực tiễn về các mặt: từ tuyển binh, tổ
chức, đến huấn luyện, kỷ luật, đoàn kết tướng sĩ... nhằm nâng cao chất
lượng chiến đấu của quân đội.
Ngay từ khâu tuyển binh, tức là đầu vào của quân đội, trên cơ
sở đặt tất cả đinh tráng trong diện quản lý, hằng năm triều đình đều
cho tuyển quân, chỉ chọn lấy những người trẻ, khỏe sung vào quân
ngũ thay những người lính già yếu cho về nhà. Thời Lý, Lý Anh Tông
xuống chiếu quy định khi tuyển quân thường trực (cấm quân), chỉ lựa
lấy con nhà đông người, không bắt con nhà cô độc (con một). Thời Lê,
Lê Thánh Tông quy định cụ thể hơn, định lệ nhà nào có ba đinh thì
người khỏe nhất bổ vào hạng tráng làm quân thường trực, một người
bổ vào hạng làm quân dự bị, một người bổ vào hạng dân; nhà có bốn
đinh thì hai người bổ vào hạng dân; nhà có năm, sáu đinh trở lên, hai
người bổ vào hạng tráng, một người bổ vào hạng quân, còn lại là hạng
dân. Việc nhà nước ban hành chế độ binh dịch và cách thức tuyển
quân như vậy đáp ứng được nhu cầu xây dựng đội quân thường trực
có số lượng vừa phải trong tổng số dân, lại có lực lượng quân dự bị
hùng hậu, sẵn sàng bổ sung vào quân ngũ khi có chiến tranh.
Về tổ chức, mỗi triều đại tuy có tổ chức biên chế khác nhau
nhưng đều có "binh chế", "ngạch quân" rõ ràng và chặt chẽ. Để tạo
nên chất lượng tinh của quân đội, các triều đại rất chú trọng giáo dục
chính trị - tinh thần cho tướng sĩ. Từ nhà vua đến các vị tướng soái
đều có ý thức chăm lo hun đúc lòng yêu nước, chí căm thù giặc, chỉ rõ