Lam - sớm cố kết lại, gắn bó với nhau trong một lợi ích chung. Sự gắn
bó này đã dẫn đến việc ra đời nhà nước sơ khai có tên là Văn Lang.
Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Từ đó, bắt đầu một thời
đại mới trong lịch sử Việt Nam: thời đại các vua Hùng dựng nước.
Ngày nay, quan sát những trống đồng cổ - thành tựu nổi bật của văn
hóa Đông Sơn thời đại các vua Hùng - người ta nhận thấy ánh lên từ
những hình họa, những mô típ trang trí trên mặt trống, trên tang trống
cảnh làm ăn, sinh sống thấm đẫm sự hòa đồng mộc mạc, sự cố kết bền
chặt của cư dân thời đó. Ở một hướng tiếp cận khác, các nhà nghiên
cứu thời đại các vua Hùng, bằng phương pháp chuyên ngành, đã chú ý
lần gỡ, bóc tách những màng bọc hư thực bao quanh nhiều câu chuyện
cổ xuất hiện ở thời kỳ lịch sử này để tìm ra lõi cốt sự thật tàng ẩn
trong đó. Một cách tiếp cận như thế cho phép rút ra nhận xét từ các
truyền thuyết như Âu Cơ - Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Sơn tinh -
Thủy tinh... là ý thức về cội nguồn chung, tinh thần cố kết cộng đồng
trong cuộc sống chiến đấu, lao động của cư dân thời Hùng vương đã
rất đậm nét, rất bền chặt.
Trên thực tế, nếu những câu chuyện cổ như Âu Cơ, như Thánh
Gióng đánh giặc Ân còn trong địa hạt huyền sử thì cuộc kháng chiến
10 năm của cư dân Việt cổ chống Tần vào thế kỷ III trước Công
nguyên đã được ghi chép trong lịch sử thành văn. Trong cuộc kháng
chiến đó, vai trò của nhân dân - cụ thể hơn là của người Âu và người
Lạc - là rất to lớn. Điều quan trọng là qua cuộc kháng chiến này, tăng
thêm tính chiến đấu và sâu sắc hơn sự cố kết giữa những cư dân Việt
cổ. Đó chính là một trong những nhân tố rất căn bản làm xuất hiện nhà
nước Âu Lạc thay cho nước Văn Lang của các vua Hùng mà người
đứng đầu nhà nước mới này là Thục Phán - An Dương Vương. Ngay
tên nước cũng đã phản ánh sự hợp nhất chặt chẽ giữa hai thành phần
Việt tộc - hợp nhất trong một kết cấu chính trị - xã hội của văn minh
Việt cổ...