Như thế, cùng với quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang rồi
Âu Lạc, sự cố kết trong nội bộ các bộ tộc Việt cổ đã thực sự trở nên
bền chặt, ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc trùm lên ý thức bộ tộc, đã
hình thành. Đấy chính là lõi cốt của lòng yêu nước Việt Nam, văn hóa
Việt Nam - điều kiện quan trọng bậc nhất để Việt Nam có đủ bản lĩnh,
sức sống và sức mạnh vượt qua bao thử thách nghiệt ngã và khốc liệt
của hơn nghìn năm đô hộ và đồng hóa của phương Bắc, giành lại chủ
quyền, tiến lên xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền tự chủ, tổ
chức thành công các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống,
Mông – Nguyên, Minh, Thanh, Xiêm... bảo vệ vững chắc biên cương,
bờ cõi.
Mối quan hệ các dân tộc anh em trong lãnh thổ Việt Nam
chính là nền tảng đầu tiên cho sự ổn định chính trị cũng như bảo vệ
lãnh thổ. Từ thực tế đó, để giữ vững cương vực lãnh thổ và chủ quyền
quốc gia, quản lý chặt chẽ vùng biên viễn là nhiệm vụ trọng yếu đặt ra
với các triều đại, có lẽ vấn đề bức thiết này đặt ra một cách mạnh mẽ
từ thời Lý. Do những giới hạn của lịch sử, bộ máy nhà nước triều Lý
chỉ mới trực tiếp quản lý được vùng đồng bằng châu thổ, miền trung
du và một phần thượng du. Ở vùng biên viễn, rừng núi xa xôi, triều Lý
(và ngay cả triều Trần ở phạm vi hẹp hơn) vẫn áp dụng chính sách "ki
mi" qua những biện pháp mềm dẻo và hình thức linh hoạt. Các tộc
người thiểu số được quyền tự quản, đứng đầu là tù trưởng. Tuy nhiên,
cùng với việc trao chức tước, quyền hạn, trong nhiều trường hợp, hẳn
là những trường hợp đặc biệt, nhà nước còn dùng quan hệ hôn nhân để
gắn kết đại diện của các dân tộc như tù trưởng (và cư dân bản địa) với
triều đình. Trong những năm từ 1036 đến 1167, ít nhất có 9 trường
hợp vua Lý gả công chúa cho tù trưởng các châu thuộc vùng trung -
thượng du Bắc Bộ ngày nay
5
. Sự tôn trọng về địa bàn và quyền lợi
giữa triều đình trung ương với các dân tộc miền biên viễn không chỉ là
một biện pháp chính trị, mà còn trở thành một khía cạnh tinh thần, hay