đảo và vùng biên ải để bảo vệ đất nước. Đất nước có những bước phát
triển mới.
Trên thế giới, bước sang thế kỷ XIX, các nước tư bản phương
Tây, đặc biệt là Anh, Pháp, Mỹ đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ
nghĩa, ráo riết chạy đua tìm kiếm thị trường và từng bước xâm chiếm
thuộc địa. Phương Đông đầy quyến rũ trở thành đích hướng tới không
gì ngăn được của tư bản phương Tây. Thời kỳ đóng cửa chỉ biết mình
của châu Á đã qua. Những đội truyền giáo, những thương thuyền, hạm
đội của tư bản Âu - Mỹ đã căng buồm, chĩa súng, tiến vào lục địa
đông người, lắm của này. Vốn đã có dã tâm xâm lược Việt Nam từ rất
sớm, đồng thời thông qua con đường truyền đạo, thương mại và do sự
liên kết với các "cựu triều" chúa Nguyễn từ trước, tư bản Pháp đã tạo
được một cơ sở chính trị - xã hội cùng những tri thức về văn hóa bản
địa cần thiết ở Việt Nam. Kẻ thù dân tộc Việt Nam giờ đây không phải
là một quốc gia phong kiến phương Đông nữa, mà là một cường quốc
tư bản phương Tây hiện đại vượt bậc về phương thức sản xuất, có nền
kinh tế phát triển, có quân đội mạnh được trang bị vũ khí kỹ thuật tiên
tiến.
Không phải triều Nguyễn không có tinh thần dân tộc và không
nhìn thấy hiểm họa ngoại xâm đang rình rập, đe dọa tới độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng thể thống nhất giữa tinh thần dân
tộc và quyền lợi hoàng tộc vốn là một trong những nhân tố quan trọng
bậc nhất tạo ra và nhân lên sức mạnh của đất nước từng được những
vương triều tiến bộ trước đây gây dựng, bồi đắp bằng các chủ trương,
biện pháp "thân dân" hợp lòng người thì giờ đây mối quan hệ đó trở
thành một vấn đề không dễ và không thể giải quyết. Thật vậy, làm sao
triều Nguyễn có thể vượt ra khỏi ranh giới lợi ích của nó; đặt lợi ích
của đất nước lên trên lợi ích của tập đoàn cầm quyền trong khi có thể
điều nó cần làm để tạo nên sức mạnh, đương đầu với kẻ thù xâm lược
lại sẽ dẫn đến sự chấm dứt từng bước của cả một giai tầng? Vua Tự
Đức cũng như một số triều thần nhà Nguyễn đã đối lập quyền lợi