chủ chiến và chủ hòa. Với tinh thần dân tộc cao, lực lượng chủ chiến
đòi thay đổi quyết sách, quyết tâm kháng chiến, nhưng đều bị từ chối
và trấn áp; phái chủ hòa do vua Tự Đức cầm đầu thắng thế. Tuy vậy,
phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu vẫn chuẩn bị lực lượng
chống Pháp, nuôi hy vọng khôi phục chủ quyền dân tộc khi thời cơ
đến. Cuộc nổi dậy ở kinh thành Huế vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng
5-7-1885 đã bị thực dân Pháp đàn áp. Vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất
Thuyết buộc phải lánh ra căn cứ Tân Sở (Quảng Trị) và xuống chiếu
Cần Vương. Một phong trào chống Pháp với danh nghĩa Cần Vương
dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước nổ ra sôi nổi trên phạm vi
rộng lớn khắp Bắc - Trung - Nam, kéo đi 12 năm liền (1885 - 1896);
nhiều cuộc khởi nghĩa đã diễn ra cùng một lúc trong nhiều địa phương
và kéo dài trong nhiều năm. Tiêu biểu cho các phong trào kháng Pháp
nửa cuối thế kỷ XIX là các cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan
Đình Phùng và Cao Thắng ở Hà Tĩnh (1885 - 1896), khởi nghĩa Ba
Đình của Đinh Công Tráng (1886 - 1887) và Hùng Lĩnh của Tống
Duy Tân (1886 - 1892) ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn
Thiện Thuật ở Hưng Yên (1885 - 1889), khởi nghĩa Nguyễn Quang
Bích ở Hưng Hóa (1885 - 1889) và cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên
Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1885 - 1913).
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân
Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX diễn ra rất kiên cường, dũng cảm.
Bằng nhiều hình thức đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang, nhân dân Việt
Nam do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo, dựa vào thế hiểm của núi rừng,
sông suối, đầm lầy; dựa vào làng xã mà lực lượng chủ yếu là những
người nông dân vừa chống địch càn quét, vừa chủ động tìm những sơ
hở của chúng để tập kích, đánh úp đồn giặc. Thực dân Pháp phải vất
vả điều quân từ nơi này sang nơi khác, bị động đối phó và chịu thiệt
hại nặng nề. Cho dù các cuộc khởi nghĩa vũ trang đó cuối cùng đều bị
thất bại, song sự tồn tại và phát triển của nó thể hiện tinh thần yêu
nước, ý chí quật khởi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì