dân tộc, góp phần tích cực vào việc phát triển văn hóa. ngôn ngữ và
văn tự của dân tộc Việt Nam. Phong trào Duy Tân (1906 - 1908) do
Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo ra đời ở
Trung Kỳ, với mục đích là vận động cải cách văn hóa, xã hội, gắn với
động viên lòng yêu nước, chí căm thù giặc, thực hiện đấu tranh cho
dân tộc thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang. Mặc dù phong trào
Duy Tân có hai khuynh hướng cải cách ôn hòa và bạo động vũ trang,
nhưng các sĩ phu tiến bộ và đông đảo nhân dân do lòng nhiệt tình yêu
nước đều tán thành và hưởng ứng tất cả mọi biện pháp đấu tranh có lợi
cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở các tỉnh Trung Bộ có các phong
trào chống đi phu, chống sưu thuế và trừng trị bọn quan lại tay sai
phản động. Thực chất đây là cuộc bạo động của nông dân, kết hợp đấu
tranh chính trị với bạo động vũ trang, lan rộng ở khắp các tỉnh Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ
An và Thanh Hóa.
Các phong trào nói trên, ngoài việc phát huy tinh thần yêu
nước và truyền thống đấu tranh của dân tộc, còn tiếp thu được trào lưu
tư tưởng tư sản phương Tây; đã được đông đảo quần chúng tham gia
trên các mặt chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng và trở thành một
phong trào yêu nước rộng lớn với những nội dung, sắc thái mới. Với
các hình thức đấu tranh mới như "bạo động", "xuất dương cầu viện",
"cải cách văn hóa, xã hội", phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế
kỷ XX đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hòa
nhập vào cao trào "Phương Đông thức tỉnh" như Lênin đã từng nói
đến.
Bấy giờ, ở các nước phương Đông, các nhà yêu nước đều thiên
về vận động cải cách, nhưng ở Việt Nam cải cách không tách rời hoạt
động vũ trang. Đấu tranh đòi hỏi cải cách phát triển tới bạo động vũ
trang, cũng như đấu tranh vũ trang kết hợp với vận động cải cách đã
tạo nên sức mạnh, tính phong phú, đa dạng của phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc.