4. Sử cũ nước Tàu có chép : « Đời vua Nghiêu có người nước Việt
Thường sang dâng rùa », lại cũng có chép : « Về đời thượng cổ, năm tân
mão đời vua Thành Vương nhà Chu (1109 trước J.C.) có nước Việt Thường
ở phía nam Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống. Phải thông dịch
ba lần mới hiểu được tiếng nhau ». Thế là tiếng nói của người Việt Thường
nầy không phải là tiếng Tàu, vì một điều mà các nhà sử học đã chắc chắn là
tiếng Tàu hồi xưa nhất thống, chỉ bắt đầu nói trại ra và có phương ngữ từ
đời nhà Đường mà thôi. Lại người Việt Thường lúc ấy cũng không có
chung một văn-tự với chữ Tàu, bằng nếu có, thì họ đã dùng lối « bút đàm »,
viết ra mà nói chuyện với nhau rồi.
5. Những tiếng của thời nầy còn sót lại như bố, cái… thường giống
với tiếng Mường, – người Mường ấy là người Việt Thường ít chịu ảnh
hưởng của Tàu hơn hết – giống với tiếng Lào, tức là những loại tiếng thuộc
về dòng Thái. Vả lại cú pháp cũng in hệt với nhau. Những bằng cớ ấy tỏ
rằng về thượng cổ, dân tộc Việt Nam đã từng có một thứ tiếng riêng, cùng
dòng với các tiếng Thái, khác hẳn với tiếng Tàu.
b) Tiếng Việt ở thời thượng cổ (từ người Việt kéo sang đến thời bị Tàu
đô hộ)
6. Người Việt xưa ở miền hạ lưu sông Dương Tử và đã từng là một
nước chư hầu mạnh ở đời Xuân Thu. Sau bị nước Sở đánh đuổi, nước Việt
tan rã, giống Bách Việt chạy tứ tán, thì một bộ lạc kia noi theo chim Lạc
mùa thu trốn lạnh, mà hướng về phương nam. Thế nên họ thờ chim ấy làm
vật tô tem và tự xưng mình là Lạc Việt, hoặc là dòng Hồng Lạc. Đến hạ lưu
sông Nhĩ Hà, họ chen lộn, cùng sống với thổ dân đã ở sẵn trước nơi đó. Họ
tiến bộ hơn người bản xứ, có tổ chức và kỹ thuật hơn, thiện chiến hơn, nên
chẳng bao lâu, bộ lạc họ cầm đầu được tất cả. Tuy nắm được quyền chính
trị, song vì họ là thiểu số, và nhứt là bởi vì tiếng Thái dễ phổ cập hơn tiếng
Tàu, mà lần lượt, họ bị đồng hóa theo người bản xứ, nhiễm theo phong tục
và nói tiếng của số đông. Tuy vậy, họ đã mang theo nhiều tiếng mới. Và đó
là lần thứ nhứt, mà tiếng Tàu tràn nhập vào tiếng Ta vậy.