7. Về sau, trải hơn ngàn năm – thỉnh thoảng bị các cuộc khởi nghĩa
gián đoạn – nước Tàu đến đô hộ. Trước thì họ cho quan quân sang cai trị,
dùng tiếng Tàu làm tiếng quan dụng. Kế đó họ cho đày một mớ tội nhơn đi
rải rác các nơi ở xen lộn với người bản xứ. Sau lại có một hạng dân Tàu, vì
không chịu được chế độ chính trị nước họ, như là người theo nhà Hán thì
không phục Vương Mãng, Tào Tháo, nhà Tấn… hoặc vì chịu không nổi sự
loạn lạc khổ sở trong lúc nhà Hán sụp đổ, nên đưa cả gia quyến tránh sang,
nhập tịch ở Giao Châu. Những người nầy đã đem rất nhiều tiếng mới về
chính trị, học thuật, công nghệ qua đất nầy và cũng bành trướng trong dân
gian lối học bắt chước giống y theo lối học bên Tàu. Những tiếng Tàu được
mang sang đây đều đọc theo giọng thời đó. Vì vậy mà ta gọi là tiếng Hán
Việt.
8. Đáng chú ý nhứt là trong đời Tam Quốc, cả nước Tàu loạn lạc
không dứt, ở Giao Châu nhờ có Sĩ Nhiếp làm thái thú, khéo cai trị, nên
được yên ổn. Các danh sĩ ở cõi bắc lánh sang đó rất đông, đem theo các học
thuyết mà truyền bá : đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật. Tất nhiên là bằng tiếng
Tàu, chữ Hán. Trên thì các quan cố gắng chú giải các kinh sách, mở trường
và khuyến khích Hán học, dưới thì các danh sĩ nầy chia nhau lẫn lộn vào
dân gian mà truyền bá tiếng Tàu, chữ Hán. Nhưng bao nhiêu sự cố gắng ấy
– mà lắm nơi đã thừa sức đồng hóa được dân bị trị – lại không thể lấn át
được cú pháp của người bản xứ. Và kết quả chỉ là làm cho tiếng Việt
giàu
thêm, bằng cách mượn các danh từ mà giữ nguyên được bản sắc.
9. Khoảng đời Sĩ Nhiếp, còn có việc sáng tạo chữ nôm là một vật liệu
đáng kể là quý của kho Việt văn sau nầy. Thuở trước, có lẽ ta có chữ viết
riêng cũng như ta đã có tiếng nói riêng. Người Mường ít chịu ảnh hưởng
của Tàu đã giữ được văn tự của họ cho đến ngày nay. Nếu ta đưa cái giả
thuyết, rằng ta với Mường chỉ một dòng giống và chữ viết Mường ngày nay
tức là văn tự của ta ngày xưa, thì giả thuyết ấy cũng có thể đứng vững
được. Nhưng sau mấy trăm năm bị Tàu cai trị trực tiếp và tìm đủ cách để
đồng hóa – tất nhiên là buộc ta bỏ chữ viết của ta để dùng chữ Tàu – thì
người Việt không còn biết chữ viết cũ của mình.