Thí dụ : Ta hãy lấy cái ý niệm mà người Anh gọi là fisher, người Pháp
gọi là pêcheur. Trong tất cả từ điển của họ đều có những chữ ấy. Bây giờ ta
hãy hỏi bất cứ người Việt Nam nào, dầu ít học đến đâu, họ cũng có thể đáp
rằng ý niệm ấy gọi là người đánh cá. Thế mà tiếng người đánh cá lại không
có chép sẵn trong một bộ từ điển nào cả. Và những thí dụ như vậy, ta kể
không biết bao nhiêu cho hết.
Người đánh cá không phải là một câu, dầu là một câu lép, bởi vì nó
không phải tả sự hoạt động của một người, mà toàn thể ba âm ấy chỉ có một
ý niệm không khác nào tiếng pêcheur hay fisher. Thế thì nó cũng là một
tiếng cũng như hai tiếng sau nầy. Và nó là tiếng ba âm, vì phải đủ ba âm
mới tỏ được cái ý niệm.
36. Nếu bảo rằng các từ điển hiện nay còn thiếu sót, thì có thế nào làm
bộ từ điển khác mà chép đủ được chăng ?
Xin trả lời ngay rằng không thể được. Phép làm từ điển của Âu châu là
dùng cho các loại tiếng thuộc về dòng nầy. Tức là mỗi ý niệm đều có một
chữ có hình dáng nhứt định của nó, và người làm từ điển chỉ góp nhặt tất cả
những chữ sẵn có là xong.
Tiếng Việt Nam lại theo một cơ cấu khác hẳn. Ngôn ngữ gồm những
ngữ tố rời nhau, không khác nào những bộ phận rời của các máy móc cho
trẻ con chơi. Tùy ta chọn lựa các ngữ tố nầy, tùy cách ta kết cấu chúng nó
lại, mà ta có thể có muôn hình vạn trạng. Trong các hình trạng nầy, nếu có
cái nào đương xứng với ý niệm mà ta muốn tả, thì ta có được một tiếng hẳn
hoi rồi. Như với ngữ tố người, ta có thể có người làm ruộng, người quét
đường, người buôn bán, người hái củi, v.v…
37. Kẻ làm từ điển Việt Nam có phận sự là góp nhặt tất cả ngữ tố nầy
và dẫn giải, xếp đặt thành qui củ. Cũng có thể hóa hợp ít nhiều ngữ tố lại
thành tiếng. Nhưng không thể nào cho đủ hết được.
Người muốn nói tiếng Việt, khi có một ý niệm cần diễn tả, thì chọn
trong các ngữ tố những cái nào thích ứng, rồi tự mình xếp đặt lại. Hay cùng