trừu tượng. Sau nầy sanh hoạt của dân Việt dồi dào, thì tất nhiên sẽ có đủ
tiếng dùng cho kịp. Bằng chứng là những việc mới, vật mới đều mang lại
cho tiếng Việt hoặc đôi hoặc ba tiếng mới : Như oanh tạc, ném bom, dội
bom ; phi cơ, tàu bay, máy bay ; xe tăng, tàu bò, v.v… Và nhất là trong
khoảng mấy mươi năm sau nầy, từ các phong trào tư tưởng mới tràn nhập
vào xứ ta, thì có hơn ba chục ngàn danh từ trừu tượng được thông dụng,
làm cho những người không dõi theo, khi đọc những áng văn mới, thì
không hiểu gì cả.
40. Tiếng Việt cũng có một đặc tánh thứ ba rất quan trọng, đặc tánh
nầy phải phản chiếu tánh tình người Việt là giàu tình cảm. Bởi giàu tình
cảm, nên tình cảm ấy ghi một ấn tượng rõ rệt trên lời nói, câu văn. Thế nên
tiếng Việt có tánh cách chủ quan. Những sự kính, yêu, sợ, ghét, khinh rẻ,
lắm khi lộ rõ lên tiếng dùng. Người mà bị khinh thì là ngợm. Chó chẳng ra
gì thì là má. Rau không giá trị là cỏ. Mèo ác quái thì là miêu. Quỉ mà không
xứng thì là quái. Trẻ mà ác nghiệt thì là ranh. Nếu không thể đặt tiếng khác
để khinh khi được, thì lại xoay phương pháp khác, như là để tiếng đệm ba ở
trước trong : ba tàu, ba đá, ba thụ, ba son, ba ná, ba phải…
Lắm khi, tánh cách chủ quan nầy quyết định việc xưng hô, như trong
việc dùng các tiếng để trỏ ngôi thứ : tao, ta, tôi, tớ, em, con, cháu, v.v… (về
ngôi thứ nhứt) ; mầy, mi, em, anh, v.v… (về ngôi thứ hai). Chính cái tánh
cách chủ quan nầy là một trở ngại to để sáng tạo những đại danh từ chỉ
người, vì khó rứt bỏ những chủ quan ấy.
Đến như sự tiếng Việt giàu tiếng cụ thể, ấy cũng do tánh cách nầy.
Mỗi khi ta nói : cầm, mang, vác, khiêng, quảy, gánh, xách, cõng, đội, chẳng
những ta tả việc đưa vật từ nơi nầy đến nơi nọ, mà ta còn tả cái tình cảnh
của riêng ta nữa.
41. Bởi có nhiều âm hưởng và lại thêm có tánh cách chủ quan, nên
tiếng Việt rất tiện dùng để tả tánh tình, và rất dễ nên thơ. Vì vậy mà sự sáng
tác của dân chúng rất nhiều. Chính là hai tánh cách nầy đáng cho ta chủ ý
khi cần nghiên cứu những nguồn gốc của văn chương Việt Nam.