c) Những đặc tánh về mẹo luật
42. Xét chung, tiếng Việt không biến đổi như lắm tiếng phương tây để
diễn tả những tinh tế về giống đực cái, số nhiều ít, thời tiết hoặc kiểu cách.
Tuy vậy, đối với các vấn đề nầy, tiếng Việt cũng có những mẹo luật riêng
để thông dịch tư tưởng thành ra lời. Và người biết mẹo cũng có thể diễn
những tinh tế của mình như các loại ngôn ngữ khác.
Đây không phải là quyển văn phạm về tiếng Việt, nên không thể trình
bày đủ tất cả mẹo luật nầy, và chỉ có thể nói sơ về những chỗ nào tiếng Việt
khác với các thứ tiếng khác mà thôi.
43. Muốn diễn tả những tinh tế của tư tưởng, người Việt thường ghép
thêm vào lời một hay là hai ba tiếng phụ, mà mỗi tiếng phụ nầy đều có
chức vụ riêng của nó.
Hoặc có những tiếng để phân biệt giống đực (đực, trống, nọc, cồ…)
với giống cái (cái, mái, nái…). Hoặc có những tiếng để trỏ số nhiều
(những, các, nhiều, lắm, vài, một ít…). Hoặc có những tiếng để trỏ thời
điểm của việc xảy ra (đương, đã, có, sẽ…). Hoặc có những tiếng để trỏ kiểu
cách (nếu, âu là, hãy).
44. Nhưng còn một phép thứ hai nữa rất đáng chú ý, là cách tổ chức
câu văn hay đoạn văn, làm cho phần tinh tế của tư tưởng được diễn tả đầy
đủ, mà trong câu văn hay đoạn văn ấy không có tiếng nào dùng vào chức
vụ đặc biệt nầy.
Không biến đổi dạng thái của tiếng như người phương tây, người Việt
lại chú trọng nơi ngôi thứ của mỗi tiếng, mỗi âm. Về khoản nầy tiếng Việt
có cùng một quan điểm với tiếng Tàu, nhưng nguyên tắc của hai bên lại
nghịch hẳn.
Theo tiếng Tàu thì cái gì để hình dung, để thêm nghĩa, để cụ tượng
đều phải đứng trước cái bị hình dung, bị thêm nghĩa, cái trừu tượng. Theo
tiếng Việt thì nghịch hẳn lại. Khởi đầu, phải đưa ra cái khái niệm trừu
tượng nhứt, rồi sau đó sẽ ghép thêm những cái gì để phụ nghĩa, để hình
dung. Như trong câu : « Tôi mua lầm thứ than quả bàng đốt không đượm »,