Vì cách thức họ bình dị mà đời sống của họ đạm bạc. Không khi nào họ
uống rượu, trừ trong các buổi lễ tế thần… Luật pháp và cách lập khế ước
của họ rất giản dị, chứng cớ là gần như không bao giờ họ ra toà. Họ không
kiện cáo nhau vì các tờ hợp đồng hoặc vì cho vay mượn, họ không cần
dùng con dấu hoặc người làm chứng vì họ tin nhau… Họ trọng đạo đức và
tính thành thực… Đa số đất đai đều cày cấy, mỗi năm hai mùa… Vì vậy
người ta bảo Ấn Độ chưa hề biết nạn đói kém, chưa bao giờ thiếu thức ăn
cho dân chúng.
Thời Chandragupta, Bắc Ấn có khoảng hai ngàn thị trấn, và thị trấn cổ nhất
là Taxila, cách thị trấn Rawalpindi hiện nay khoảng ba chục cây số về phía
Bắc. Arrien bảo thị trấn đó “lớn và thịnh vượng”, Strabon bảo nó rộng và
có nhiều luật lệ rất tốt. Nó vừa là một quân khu vừa là một đất văn vật vì nó
có một địa vị rất quan trọng về phương diện chiến lược, ở trên con đường
chính đưa sang Tây Á, mà lại có trường đại học lớn nhất đương thời Ấn
Độ. Sinh viên mọi nơi đổ xô lại Taxila cũng như thời Trung Cổ họ đổ xô lại
Paris, ở đó có những giáo sư giỏi nhất dạy đủ các môn nghệ thuật và khoa
học, trường Y khoa Taxila nổi danh khắp phương Đông
Mégasthènes đã tả Pataliputra, kinh đô của Chandragupta như sau: kinh đô
dài khoảng mười lăm cây số, rộng ba cây số, cung điện nhà vua tuy cất
bằng cây nhưng Mégasthènes cho là đẹp hơn các cung điện ở Suse và
Ecbatane, và chỉ kém các cung điện Persépalis thôi. Cột đều bọc một lớp
vàng, vẽ những hình chim và lá cây, trong cung bày những đồ đạc vàng son
rực rỡ. Nền văn minh đó vẫn có chút vẻ khoe khoang đặc biệt của phương
Đông, chứng cớ là có những bình lớn bằng vàng trực kính một thước tám
mươi; một sử gia Anh sau khi nghiên cứu các tài liệu văn học hoặc hội hoạ,
các cổ vật còn lại, kết luận rằng thế kỉ thứ IV và thứ III trước Công nguyên,
nghệ thuật và kĩ nghệ của đế quốc Maurya không kém nghệ thuật và kĩ
nghệ dưới thời các vua Mông Cổ mười tám thế kỉ sau.
Chandragupta dùng võ lực chiếm được ngôi rồi, sống trong cảnh vàng son