rực rỡ của cung điện hai mươi bốn năm, chỉ đôi khi mới ra ngoài thành tiếp
xúc với dân chúng, những lúc đó, bận bộ triều phục bằng lụa là thêu kim
tuyến, ngồi trong một chiếc kiệu bằng vàng hoặc cưỡi một thớt tượng trang
sức lộng lẫy. Trừ những buổi đi săn hoặc tiêu khiển, còn thì ông dùng hết
thì giờ vào việc cai trị một quốc gia đương phát triển mạnh. Mỗi ngày của
ông chia làm mười sáu khoảng, mỗi khoảng chín mươi phút. Khoảng thứ
nhất, ông thức dậy, trầm tư, khoảng thứ nhì ông đọc các bản điều trần của
các đại thần rồi ban các mật lệnh, khoảng thứ ba ông họp với các nhà cố
vấn trong một điện riêng, khoảng thứ tư, lo về vấn đề tài chính và binh bị,
khoảng thứ năm, đọc các sớ thỉnh cầu của dân và xử án, khoảng thứ sáu
dùng để tắm và ăn, khoảng thứ bảy thu thuế và các cống phẩm, bổ dụng
quan lại, khoảng thứ tám lại họp nội các, nghe các lời báo cáo của bọn mật
vụ và bọn triều thần cũng do thám cho ông, khoảng thứ chín dùng để nghỉ
ngơi, tụng niệm, khoảng thứ mười và mười một dùng để giải quyết các vấn
đề võ bị, khoảng thứ mười hai cũng nghe báo cáo mật, khoảng thứ mười ba
để tắm và ăn bữa tối, ba khoảng cuối cùng, mười bốn, mười lăm và mười
sáu để ngủ. Sự thực không chắc đã đúng như vậy, có lẽ đó chỉ là chương
trình lí tưởng mà sử gia mong cho Chandragupta theo được hoặc muốn cho
dân chúng tưởng rằng Chandragupta theo được. Các tin tức trong cung điện
đưa ra ít khi đúng sự thật lắm.
Sự thực mọi quyền hành do viên đại thần quỉ quyệt Kautilya nắm hết.
Kautilya vốn là một tu sĩ Bà La Môn, biết rõ giá trị của tôn giáo về phương
diện chính trị, nhưng trong cách hành động lại không theo các qui tắc đạo
đức, như các nhà độc tài hiện thời, ông ta cho rằng phương tiện nào cũng
tốt miễn là có lợi cho quốc gia. Con người đó vô sở bất vi, tráo trở, nhưng
rất trung tín với vua, ông ta hầu hạ Chandragupta trong cảnh lưu đày, trong
cơn thất bại, trong thời mạo hiểm, bày mưu lập kế cho chủ để giết người,
thắng trận, và nhờ thủ đoạn khôn khéo, làm cho đế quốc của chủ hoá mạnh
nhất Ấn Độ thời đó, các thời trước cũng không bằng. Như Machiavel ở Ý
thời Trung cổ, tác giả cuốn Prince, Kautilya nghĩ nên chép lại những thuật
ông ta dùng trong chiến tranh và ngoại giao, theo truyền thuyết ông ta là tác