sống vị lai đấy, và chỉ điểm đó cũng cho ta thấy rằng tư tưởng, tín ngưỡng
của Phật tử đã khác xa chủ trương hoài nghi của Phật Tổ rồi. Nhưng không
có đoạn nào trong các sắc lệnh bảo dân phải thờ phụng một vị thần nào cả,
chẳng những vậy, ngay đến Phật, cũng không bắt dân thờ nữa. Rõ ràng là
các sắc lệnh không quan tâm tới thần học: sắc lệnh ở Sarnath bảo phải giữ
sự hoà thuận trong các đền chùa, tăng hội và kẻ nào đề xướng sự li giáo
làm cho tăng hội suy nhược thì sẽ bị tội; nhưng nhiều sắc lệnh khác bảo
phải khoan dung về phương diện tôn giáo, trọng sự tự do tín ngưỡng. Phải
bố thí cho các tu sĩ Bà La Môn cũng như các tăng đồ, không được mạt sát
tín ngưỡng của người khác. Nhà vua tuyên bố rằng tất cả các thần dân đều
là con cưng của ngài chẳng cần biết người nào theo tôn giáo nào, đối đãi
với mọi người như nhau cả. Sắc lệnh số XII, khắc trên tảng đá, có một
giọng mà ta tưởng là giọng của thời đại chúng ta:
Hoàng Thượng Chí Từ Chí Linh chào hết thảy các thần dân trong mọi giáo
phái, dù là hạng tu hành khổ hạnh (ở trong hang) hay là hạng tu tại gia.
Hoàng Thượng không cho những tặng vật và những lời chào hỏi bề ngoài
là quan trọng bằng cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái. Cái chủ yếu đó
có thể tấn bộ theo nhiều hình thức, nhưng điều căn bản là phải giữ gìn lời
ăn tiếng nói; không nên vô cớ đề cao giáo phái của mình, chê bai giáo phái
của người. Muốn chê bai thì phải có những lí do vững vàng vì tất cả các
giáo phái khác đều có một khía cạnh nào đó đáng cho ta kính trọng.
Nếu giữ được như vậy thì vừa làm cho giáo phái của mình phấn khởi, vừa
giúp được các giáo phái khác. Trái lại là làm hại giáo phái của mình và
các giáo phái khác… Sự hoà thuận là điều đáng khen.
Cái “bản chất chủ yếu” đó đã được định nghĩa rõ hơn trong sắc lệnh người
ta gọi là Sắc lệnh trên cột thứ nhì. “Đạo sùng kính là điều rất tốt, nhưng thế
nào là sùng kính? Sùng kính là ít nghịch đạo, làm nhiều điều thiện, từ bi,
khoan dung, thành thực và trong sạch”. Chẳng hạn Açoka ra lệnh cho các