Ahmed Shad, mỗi khi hay tin nội trong một ngày quân đội ông giết được
hai chục ngàn thường dân Ấn thì mở tiệc ăn mừng luôn ba ngày liền.
Những ông vua đó thường có khả năng hết mà bọn trung thành với họ đều
can đảm, khéo mưu tính, nên họ mới giữ được quyền hành mà cai trị dân
Ấn đông hơn họ gấp bội. Phải nhận rằng một phần cũng nhờ tôn giáo nhất
thần của họ có xu hướng hiếu chiến, khắc kỉ, cương cường hơn các tín
ngưỡng trong dân gian Ấn Độ. Trong bọn độc tài khát máu đó có vài người
có học thức, che chở nghệ thuật, khuyến khích các nghệ sĩ và thợ thuyền –
hầu hết là gốc Ấn – xây cất các giáo đường Hồi giáo và lăng tẩm đẹp đẽ, có
người vào hàng học giả thích đàm đạo với các sử gia, thi sĩ và và nhà bác
học. Một học giả nổi danh nhất của châu Á, Alberuni theo vua Mahmud xứ
Ghazni vô Ấn viết một bộ sách về Ấn có thể so sánh được với bộ Histoire
naturelle của Pline hoặc bộ Cosmos của Humboldt. Sử gia Hồi cũng đông
gần bằng tướng lãnh Hồi mà cũng không thua bọn này về tinh thần hiếu
chiến, khát máu. Bọn vua Hồi dùng thuật đánh thuế - một thuật rất cổ - và
cả phương pháp cướp giật nữa để vơ vét hết tiền bạc của dân Ấn, nhưng họ
ở lại trong xứ, lại dùng tiền đó tiêu pha và đồng tiền luân chuyển trong nền
kinh tế Ấn Độ. Nhưng chính sách khủng bố và bóc lột vô liêm sỉ đó làm
cho dân tộc Ấn suy nhược đi cả về thể chất lẫn tinh thần, mà dân tộc Ấn
vốn đã suy nhược sẵn rồi vì thời tiết, vì thiếu ăn, vì chia rẽ về chính trị và vì
ảnh hưởng của các tôn giáo bi quan.
Chính sách cai trị của các vua Hồi đã được Alau-d-Din vạch rõ khi ông ta
ra lệnh cho các cố vấn thảo những “luật để bóp nặn dân Ấn tới kiệt, không
còn chút của cải nào nữa, để họ không còn sức đâu mà bất bình, nổi loạn”.
Xưa các vua Ấn chỉ bắt nông dân nộp một phần sáu huê lợi, nay các vua
Hồi bắt nộp một nửa huê lợi. Một sử gia Hồi bảo: “Không một người Ấn
nào dám chắc giữ được thủ cấp, vàng bạc hoặc một vật thừa nào của
mình… Đánh đập, bêu chợ, nhốt khám, cột chân cột tay, mọi phương tiện
đều được dùng để bắt họ phải nộp thuế”. Một viên cố vấn trách chính sách
đó tàn nhẫn, Alau-d-Din bảo: “Khanh là một nhà bác học đấy nhưng thiếu