LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ - Trang 146

gần như các triết gia ước ao được thành đế vương và trách Thiên ý thật kì
cục, chính mình đáng được thống trị thiên hạ thì lại không cho mình lên
ngai vàng. Sau khi chinh phục thế giới rồi, Akbar đau khổ thấy mình không
sao hiểu nổi nó. Ông bảo: “Mặc dầu tôi làm chủ tể một đế quốc mênh
mông, có đủ quyền uy, nhưng cái chí cao chí đại chính là thuận ý Thượng
Đế, mà óc tôi lại thấy ngượng nghịu khi tiếp xúc với tất cả các giáo phái,
các tín ngưỡng đó, thì làm sao tôi có thể thích việc cai trị thần dân được?
Tôi mong có ai tới giúp tôi cởi những thắc mắc của lương tâm tôi… Tôi
thích những cuộc đàm đạo về triết lí tới nỗi quên cả những công việc khác
và tôi phải gắng sức tự kiềm chế mình, đừng mãi miết với triết lí để khỏi
sao nhãng bổn phận trị dân”. Badaoni bảo: “Từng đoàn các nhà bác học
khắp các nước, từng đoàn các nhà hiền triết trong mọi tôn giáo, mọi giáo
phái lại triều đình và được nhà vua tiếp riêng. Sau khi điều tra, tìm tòi suốt
ngày thâu đêm, các nhà đó họp nhau đàm luận về các vấn đề khoa học rất
khó hiểu, về các tế nhị của sự mặc thị, về các điều kì dị trong lịch sử, trong
thiên nhiên”. Akbar bảo: “Phần cao cả của con người ở trong cái bảo vật là
lí trí”.

Các triết gia thường rất chú ý tới tôn giáo, ông cũng vậy. Vì chăm chú đọc
anh hùng ca Mahabharata và thân mật đàm đạo với các hiền triết, thi sĩ Ấn
Độ, riết rồi ông thích nghiên cứu các tôn giáo Ấn. Ít nhất là trong một thời
gian ông tin thuyết luân hồi, có lần ông ra trước công chúng mà trên trán
mang dấu hiệu của Ấn giáo, làm cho các cận thần Hồi của ông khó chịu,
ngạc nhiên. Ông biết tỏ ra ân cần, hoà nhã với mọi tín ngưỡng: ông bận một
chiếc áo lót và đeo chiếc dây lưng thiêng liêng của đạo Zoroastre (ở Ba Tư)
nên các tín đồ Zoroastre thích ông; ông theo lời yêu cầu của tín đồ đạo Jaïn,
không đi săn nữa và mỗi tháng cấm sát sinh vài ngày. Khi ông mới nghe
thấy nói về một tôn giáo gọi là Ki Tô giáo mà người Bồ Đào Nha tới buôn
bán ở Goa truyền bá vô Ấn Độ, ông sai một sứ giả tới yêu cầu các nhà
truyền giáo phái Pauliste [một giáo phái Ki Tô giáo, theo giáo lí của Thánh
Paul] ở Goa, phái tới ông hai tu sĩ uyên bác nhất. Sau có vài tu sĩ Dòng Tên
tới Delhi thuyết giáo làm cho ông thích chúa Ki Tô và ông bảo các thư kí

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.