của ông dịch Tân Ước cho ông. Ông cho phép các tu sĩ Dòng Tên tự do
truyền đạo và nhờ họ dạy hoàng tử nữa. Vào cái thời mà ở Pháp, các tín đồ
Công giáo tàn sát tín đồ Tin Lành, thời mà ở Anh [dưới triều nữ hoàng
Elizaberh] tín đồ Tin Lành tàn sát tín đồ Công giáo, cái thời mà Pháp đình
tôn giáo xử tử Do Thái ở Y Pha Nho, mà Giordano Burno
bị thiêu ở Ý,
thì Akbar mời đại biểu tất cả các tôn giáo ở Ấn Độ dự một hội nghị, cho họ
được an ổn hành đạo, ban hành những sắc lệnh về tự do tín ngưỡng, tự do
thờ phụng, và để tỏ mình trung lập trong vấn đề đó, cưới những bà vợ theo
các đạo Bà La Môn, Phật và Hồi.
Khi lửa lòng tuổi trẻ đã dịu rồi, nỗi vui nhất của ông là được đàm luận ung
dung về các vấn đề tôn giáo. Ông bỏ hết các tín điều của đạo Hồi, làm cho
các thần dân Hồi của ông bất bình mà không dám nói ra, trách ông là thiên
vị. Thánh François Xavier có lẽ nói hơi quá rằng: “Ông vua đó từ bỏ hẳn,
đã diệt nguỵ đạo của Mahomet. Trong đô thị đó không còn lấy một giáo
đường Hồi, một bản kinh Coran – kinh của đạo Hồi – và những giáo đường
Hồi trước kia nay dùng làm chuồng ngựa, làm kho chứa đồ”. Akbar không
tin Mặc khải, chỉ chấp nhận những tín ngưỡng dựa vào triết lí và khoa học.
Ông thường họp các bạn bè và các đầu mục của mọi giáo phái để đàm đạo
không ngớt với họ về tôn giáo, từ chiều thứ năm đến trưa thứ sáu mỗi tuần.
Khi các mullah Hồi giáo và các mục sư Công giáo cãi nhau, thì ông trách
cả hai bên, bảo rằng phải thờ Thượng Đế một cách sáng suốt, thông minh
chứ không nên nhắm mắt theo một lối mặc khải tưởng tượng nào đó. Ông
bảo: “Mỗi người tuỳ theo tôn giáo, xứ sở của mình mà gọi Đấng Tối Cao
bằng một tên nào đó, nhưng sự thực, làm sao có thể đặt tên cho Đấng Bất
Khả Tri được”. Như vậy là có lẽ ông chịu ảnh hưởng của các Upanishad.
Một hôm, một số người Hồi đề nghị với ông dùng phép thử lửa để xem Ki
Tô giáo và Hồi giáo bên nào phải bên nào trái: một mullah cầm kinh Coran
và một mục sư Công giáo cầm một sách Phúc âm cùng nhảy vô lửa một
lúc; ai ra khỏi lửa mà không tổn thương một chút gì thì là người đó nắm
được chân lí. Akbar không ưa vị mullah mà phe Hồi giáo đề cử thí nghiệm,
nên hăng hái chấp nhận đề nghị, nhưng các tu sĩ Dòng Tên gạt bỏ đề nghị,