làm hai khúc, hoặc banh thây ra, đóng nõ vào đít, hoặc thiêu sống, cho voi
giày, hoặc liệng cho chó rừng đói xé thây.
Không có một bộ luật nào áp dụng cho toàn thể Ấn Độ. Trong đời sống
hằng ngày, người ta dùng bộ Dharma-Shastras, những cuốn viết tay trong
đó các luật lệ và bổn phận của tập cấp được đặt thành vè, và do các Bà La
Môn soạn thảo hoàn toàn theo chủ trương Bà La Môn. Bộ cổ nhất trong
loại đó là bộ Luật Manou. Theo thần thoại, Manou là tổ của phái Bà La
Môn ở Manava, gần Delhi; người ta coi ông là con một vị thần và đã được
thần Brahma trao tận tay bộ luật mang tên ông gồm 2.685 câu thơ. Xưa kia
người ta bảo bộ luật xuất hiện vào khoảng 1200 trước Công nguyên, nhưng
hiện nay người ta cho rằng chỉ vào mấy thế kỉ đầu Công nguyên thôi. Mới
đầu, theo nguyên tắc, bộ luật chỉ để hướng dẫn các người Bà La Môn ở
Manava, sau lần lần nó được nhận là dạy đạo làm người cho toàn thể dân
Ấn; và mặc dầu nó không được các vua Hồi chính thức công nhận, trong
thực tế, nó được coi là luật về hệ thống các tập cấp. Tính cách của nó chịu
ảnh hưởng phần nào của xã hội và luân lí Ấn Độ. Xét chung thì nó chấp
nhận phép thử tội
, phép báo thù (talion) được áp dụng đúng [nghĩa là
giết người thì bị tội chết, chặt tay người thì bị chặt tay lại]; và luôn luôn
người ta nhắc nhở hoài dân chúng có một ý niệm về đạo đức, quyền hạn và
uy lực của tập cấp Bà La Môn. Một phần lớn, nhờ bộ luật đó mà chế độ tập
cấp thắng thế trong xã hội Ấn Độ.
Chế độ này càng ngày càng thêm rắc rối, phức tạp, cứng ngắc từ thời Veda,
không những vì chế độ nào thì cũng vậy, càng lâu càng cứng ngắc lại, mà
còn vì lẽ Ấn Độ, quyền uy chính trị bấp bênh, lại bị các giống người ngoại
quốc xâm lăng, các tín ngưỡng ngoại lai uy hiếp, nên cần phải có một chế
độ tập cấp cho thật nghiêm thì dân Ấn mới bớt lai Hồi. Ở thời Veda, tập cấp
tuỳ thuộc màu da; tới thời Trung cổ, nó tuỳ thuộc dòng máu tổ tiên. Có hai
điều căn bản: tập cấp di truyền từ đời cha tới đời con [cha ở trong tập cấp
nào thì con phải ở trong tập cấp đó, không đổi được]; và phải thừa nhận
dharma, tức những công việc và bổn phận thuộc về tập cấp của mình.