vĩnh tồn như vậy. Tập cấp kshatriya thời Phật tổ, làm chủ Ấn Độ, vừa về trí
tuệ vừa về chính trị, tới thời đại Gupta đã không còn nữa; và mặc dầu các
Bà La Môn nhận rằng các chiến sĩ thời trước là tương đương
, khi
Radjputana bị diệt thì tập cấp kshatriya cũng mất luôn. Lúc đó thực sự chỉ
còn hai giai cấp lớn trong xã hội Ấn Độ: giai cấp Bà La Môn làm chủ Ấn
Độ về phương diện tâm lí và xã hội; và dưới bọn đó là ba ngàn phường
nghề nghiệp thôi
Người ta có nhiều lí do để bênh vực chế độ tập cấp đó, mặc dầu nó bị mạt
sát, đả kích nhiều nhất, cũng như chế độ nhất phu nhất thê. Ít nhất về
phương diện ưu sinh [giữ cho nòi giống mỗi ngày tốt hơn] nó cũng có cái
lợi là giữ huyết thống khỏi bị lai bậy bạ; nó chỉ cho người Ấn cách ăn uống,
những qui tắc giữ thân thể được thanh khiết, và phép giữ vệ sinh. Nó lập
được một trật tự trong cảnh hỗn độn do sự bất bình đẳng và sự dị biệt giữa
các cá nhân, nó tránh cho hằng triệu người khỏi bị cái tham vọng phú quí
ám ảnh; nó qui định đời sống của cá nhân, cho mỗi người một dharma, tức
kĩ luật của tập cấp để theo; nó lập trật tự cho các nghề nghiệp, mỗi nghề
cần có một thiên tư, không ai nghĩ tới chuyện khinh suất đổi nghề; và làm
cho mỗi nghề thành một tập cấp, nó giúp cho người trong nghề đoàn kết
với nhau chống sự bóc lột và sự chuyên hoành
. Nó cho giới quí tộc
những phương tiện chống với thế lực của bọn phú hào và giới quân nhân,
nhờ nó mà một xứ bấp bênh về chính trị, vì luôn luôn bị ngoại xâm hoặc có
cách mạng, duy trì được một trật tự xã hội, luân lí, văn hóa và một sự liên
tục mà các dân tộc khác không có, trừ dân tộc Trung Hoa. Trong các thời
hỗn loạn, quốc gia chuyển biến, nhờ chế độ tập cấp mà các tu sĩ Bà La Môn
duy trì được một sự ổn định thực sự, để có thể bảo vệ, phát triển rồi truyền
lại cho các thế hệ sau nền văn minh của tổ tiên. Dân tộc Ấn kiên nhẫn, có
thể nói là hãnh diện nữa, đeo cái ách tập cấp Bà La Môn tròng vào cổ họ vì
họ biết rằng uy quyền của Bà La Môn mới thật là uy quyền duy nhất cần
thiết cho xứ sở.