dharma chung, gồm những bổn phận chung cho mọi tập cấp mà đại cương
là phải tôn trọng các Bà La Môn và phải tôn kính bò cái. Sau hai bổn phận
quan trọng bực nhất đó, tới bổn phận sinh con đẻ cái. Luật Manou bảo:
“Chỉ có một thân một mình thì chưa phải là một người đàn ông hoàn bị,
muốn hoàn bị thì phải gồm ba: bản thân, vợ và con”. Có con không phải chỉ
để chúng giúp chúng ta về phương diện kinh tế và săn sóc ta khi về già, mà
còn để nối dòng dõi, cúng giỗ tổ tiên, nếu không thì vong linh tổ tiên sẽ đói
khát. Vì vậy mà ở Ấn không có vấn đề hạn chế sinh sản, và phá thai là một
tội nặng ngang với tội giết một người Bà La Môn
. Còn như tội giết
con, nếu có thì cũng rất hiếm.
Có con là một tin mừng, có nhiều con là một phước lớn đủ để hãnh diện.
Tình ông bà yêu cháu, già yêu trẻ là một nét cảm động nhất của văn minh
Ấn Độ.
Trẻ mới sinh ra thì cha mẹ đã nghĩ ngay tới việc cưới vợ cho nó. Vì theo
tục Ấn, hôn nhân là việc cưỡng bách; đàn ông mà không có vợ thì không
được ở trong tập cấp, mất hết phận vị trong xã hội, bị khinh bỉ; càng giữ tân
được lâu thì càng bị chê trách. Hôn nhân không phải là chuyện cao hứng
mà để cho cá nhân được tự do lựa chọn, cũng không phải là chuyện ái tình
lãng mạn; nó là việc nghiêm trọng liên quan tới xã hội và giống nòi, nên
không để cho ái tình mù quáng quyết định được, nói chi tới chuyện lửa gần
rơm rồi mà vơ bậy vơ bạ; cho nên cha mẹ phải bàn tính, dò hỏi, mai mối,
quyết định từ trước khi xuân tình của trẻ phát động. Manou chê những hôn
nhân tự do [trai gái tự lựa chọn nhau] – Gandharva – là do nhục dục cuồng
loạn gây ra, đại lượng lắm thì tha thứ được, nhưng dù sau thì cũng là bậy,
đáng phỉ nhổ.
Dân tộc Ấn sớm phát dục, một em gái mười hai tuổi đã nẩy nở về sinh lí
bằng một em gái mười bốn, mười lăm tuổi ở phương Tây, vì vậy mà gây ra
một vấn đề khó giải quyết về phương diện xã hội và luân lí
. Trẻ phát
triển đủ về sinh lí rồi thì cho lập gia đình liền hay là nên đợi tới lúc nó kiếm