III. LUÂN LÍ VÀ HÔN NHÂN
Dharma – Con cái – Cưới gả con gái – Nghệ thuật yêu – Mãi dâm – Ái tình
lãng mạn – Hôn nhân – Gia đình – Phụ nữ - Đời sống tinh thần của họ -
Quyền của họ - Đàn bà phải cấm cung và che mặt – Tục hoả thiêu quả phụ
- Quả phụ
Nếu một ngày nào đó không còn chế độ tập cấp nữa thì đời sống luân lí của
Ấn sẽ bị xáo động, hỗn độn trong một thời gian lâu vì ở xứ đó qui luật luân
lí gắn liền với tập cấp, mất cái này thì mất luôn cái kia. Luân lí với dharma
chỉ là một, mà dharma là kĩ luật, cách sống đã vạch cho mỗi người trong
tập cấp. Là một người Ấn, không có nghĩa là theo một tôn giáo này hay một
tôn giáo khác, mà có nghĩa là một thành phần trong một tập cấp nào đó,
chấp nhận cái dharma tức những bổn phận mà tục lệ đã qui định từ thời
xưa. Nghề nghiệp nào cũng có bổn phận, quyền và hạn riêng, và người Ấn
nào giữ tục lệ thì cứ sống trong cái vòng truyền thống đó, ông cha sống ra
sao thì mình sống như vậy, một cách thoả mãn, không bao giờ có ý thay đổi
tập cấp. Thiên Bhavagad-Gita trong anh hùng ca Mahabharata bảo: “Làm
công việc của mình dù có dở cũng còn hơn là làm công việc của người khác
một cách rất khéo”. Một cá nhân theo đúng dharma thì cũng như một hạt
giống cứ nảy nở đều đều theo đúng luật thiên nhiên. Quan niệm luân lí đó
đã có từ lâu đời quá rồi, tới nỗi bây giờ mà mọi người Ấn
vẫn cho
mình là thành phần của một tập cấp nhất định nào đó, được tập cấp đoàn
kết và hướng dẫn; và đa số người Ấn không thể có một quan niệm nào
khác, chẳng hạn tự cho mình là một công dân Ấn, làm cái gì lợi cho mọi
tập cấp chứ không riêng cho tập cấp mình, có thể không theo dharma nếu
thấy trái với lương tâm
. Một sử gia Anh bảo: “Không có tập cấp thì
không sao quan niệm nổi xã hội Ấn”.
Ngoài cái dharma riêng của mỗi tập cấp, người Ấn còn phải theo một