vợ hiền thì phải thờ… chồng như thờ một vị thần, không bao giờ làm phật
ý chồng dù tính tình cùng tư cách của chồng tồi tệ ra sao”. Người vợ nào
trái lời chồng thì kiếp sau phải đầu thai thành chó rừng chuyên ăn xác thú
chết”.
Cũng như phụ nữ châu Âu
thời xưa, phụ nữ Ấn Độ chỉ được học hành
một chút nếu may mắn sinh vào các gia đình quí phái, không vậy thì phải ở
vào các hạng gái điếm trong các đền. Người ta cho rằng đàn bà mà biết đọc
thì chồng đã chẳng quí hơn mà còn khinh nữa. Trong một bản kịch của
Rabindranath Tagore, một nhân vật, Chitra, nói như vầy: “khi một người
đàn bà thực là đàn bà, nghĩa là để cho nụ cười, tiếng thở dài, lòng tận tâm,
tình âu yếm phấp phới chung quanh trái tim của đàn ông, thì họ thật là sung
sướng. Tri thức và cao vọng có ích gì cho họ đâu?”. Người ta cấm họ biết
kinh Veda; anh hùng ca Mahabharata có câu: “Một người đàn bà mà học
kinh Veda thì là triệu chứng hỗn loạn trong nước”. Mégasthènes kể rằng
thời Chandragupta, “các Bà La Môn có nhiều vợ lắm và không cho vợ biết
một chút gì về triết lí cả, vì nếu để cho họ suy tư về vui với khổ, lẽ sống và
lẽ chết, thì trí óc họ sẽ đồi truỵ, và họ không muốn sống trong cảnh lệ thuộc
nữa”.
Theo luật Manou, ba hạng người này không có quyền tư sản: người đàn bà
có chồng, người con trai và người nô lệ. Họ kiếm được đồng nào thì phải
nộp chồng, cha và chủ hết. Tuy nhiên một người đàn bà có toàn quyền làm
chủ món hồi môn của mình và những món đồ mừng trong đám cưới; và
một bà hoàng hậu có quyền trị nước khi thái tử còn nhỏ tuổi. Chồng có thể
bỏ vợ nếu vợ vô hạnh; nhưng vợ tuyệt nhiên không được bỏ chồng bất kì vì
lí do gì. Nếu vợ có tật uống rượu, hoặc đau ốm, hoặc phản kháng lại chồng,
hoặc hay gây gổ, hoang phí thì chồng không có quyền bỏ vợ, nhưng có
quyền kiếm một người vợ khác để thay và người này sẽ thành vợ chính. Có
vài đoạn trong luật Manou khuyên đàn ông phải hoà nhã với vợ, không nên
đánh đập vợ “dù là bằng một đoá hoa”, không nên giám thị vợ chặt chẽ
quá, vì có bản tính tinh ranh, họ sẽ càng bực mình, càng kiếm cách làm bậy