và thế nào cũng kiếm được, nếu đàn bà thích tô điểm trang sức thì mặc họ
“vì đàn bà mà không trang điểm thì chồng không yêu”, trái lại “họ mà vui
vẻ trang điểm thì nhà cửa thấy tươi đẹp lên”. Phải né mình trước mặt một
người đàn bà cũng như trước mặt một người già hoặc một tu sĩ, và khi có
khách khứa thì phải “mời các bà có mang và các thiếu nữ trước các người
khác”. Một người vợ không thể chỉ huy trong nhà được, nhưng một người
mẹ thì được, các bà mẹ đông con rất được quí mến, kính trọng và chính luật
Manou cũng bảo: “Một người mẹ đáng kính bằng cả ngàn người cha”.
Một phần do ảnh hưởng của Hồi giáo mà địa vị của phụ nữ sau thời Veda
suy giảm đi, điều đó không còn ngờ gì nữa. Tục trùm mặt – purdah – và tục
cấm cung khi đã có chồng, do các người Ba Tư và các người theo Hồi giáo
đem vô Ấn Độ, cho nên được khắp Ấn Độ theo đúng từ Bắc tới Nam.
Muốn cho vợ mình khỏi bị bọn theo Hồi giáo ngấp nghé, người Ấn bắt vợ
phải trùm kín mặt, tục đó nghiêm khắc tới nỗi một người đàn bà đàng
hoàng thì chỉ cho chồng và con thấy mặt thôi, và hễ tiếp xúc với người lạ
thì phải trùm mặt bằng một tấm khăn “voan” dày; ngay như khi y sĩ tới
chẩn mạch thì cũng phải buông một tấm màn xuống ngăn cách, không cho
y sĩ nhìn thấy. Trong vài giới, hỏi thăm người chồng về sức khoẻ người vợ
là điều bất lịch sự, hoặc được mời tới nhà ai mà hỏi chuyện phụ nữ trong
nhà đó cũng là khiếm nhã.
Tục hoả thiêu quả phụ trên giàn hoả của chồng cũng là một tục ở nước
ngoài đưa vô. Hérodote đã tả tục đó ở các dân tộc Scythe và Thrace thời cổ;
ông bảo các quả phụ Thrace tranh giành nhau, đánh nhau để được cái đặc
ân tuẫn tiết, nghĩa là được giết trên nắm mồ của chồng. Có lẽ tục đó do tục
phổ biến này trên khắp thế giới: khi một ông vua hay một vị đại thần chết
thì người ta bắt các vợ hay nàng hầu của họ chết theo để xuống âm phủ hầu
hạ họ. Kinh Artharva Veda bảo tục đó có từ lâu lắm, nhưng kinh Rig Veda
bảo tới thời Veda, tục đó đã giảm đi nhiều, quả phụ chỉ cần nằm trên giàn
hoả của chồng một lát trước khi châm lửa. Trong anh hùng ca
Mahabharata, tục đó lại nghiêm khắc trở lại y như trước; tác phẩm đó kể