LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ - Trang 180

lại vài trường hợp suttee

[34]

cho rằng quả phụ tiết nghĩa nào cũng

không muốn sống thêm nữa và hiên ngang bước lên giàn hoả. Người ta
thiêu sống họ trong một cái huyệt, hoặc chôn sống họ như ở bộ lạc Telugu
miền Nam. Strabon kể rằng tục suttee lưu hành ở Ấn Độ thời Đại đế
Alexandre và bộ lạc Kathaei ở Pendjab cưỡng bách các quả phụ phải hoả
thiêu theo chồng, như vậy không có người vợ nào mưu tính chuyện đầu độc
chồng nữa. Manu không nói gì tới tục đó cả. Còn các tu sĩ Bà La Môn mới
đầu chống, sau chấp nhận, sau cùng cho tục đó một tính cách tôn giáo, bảo
hôn nhân là một quan hệ vĩnh cửu: đàn bà đã theo chồng thì khi chồng chết
cũng phải chết theo để sống chung với nhau trong những kiếp sau. Ở miền
Rajasthan, vợ hoàn toàn là vật sở hữu của chồng đến cái mức có tục johur:
một chiến sĩ Rajpute ra trận biết rằng mình thua, sai giết hết các vợ rồi mới
xông pha vào chỗ chết. Mặc dầu các người Hồi giáo ghê tởm tục đó, mà nó
cũng phổ biến trong dân tộc Mông Cổ và chính vua Akbar quyền uy làm
vậy mà cũng không cấm hẳn nó được. Người ta kể chuyện một hôm Akbar
rán thuyết phục một thiếu phụ Ấn đừng lên giàn hoả của chồng; các tu sĩ
Bà La Môn cũng năn nỉ nàng tuân lệnh nhà vua, nàng nhất định không
nghe. Ngọn lửa lan tới gần nàng rồi, một hoàng tử, con của Akbar, vẫn còn
lải nhải cố thuyết phục, nàng ngắt lời, bảo: “Thôi, xin đừng quấy rầy tôi
nữa”. Một quả phụ khác cũng cương quyết gạt các lời khuyên răn năn nỉ,
đưa ngón tay vào lửa cho tới khi cháy thành than, mà mặt vẫn bình tỉnh như
không, như vậy để tỏ vẻ khinh bỉ những người muốn thuyết phục nàng. Ở
Vijayanagar tục suttee còn đại qui mô hơn nữa: không phải một người vợ
mà hết thảy các người vợ của một quân nhân hoặc một quân vương phải
tuẫn tiết theo chồng. Conti kể chuyện rằng nhà vua xứ đó lựa trong số mười
hai ngàn cung tần mĩ nữ lấy ba ngàn sủng phi “với điều kiện là khi ông ta
chết thì ba ngàn bà đó phải tự nguyện lên giàn hoả với ông, như vậy là vinh
dự lớn cho họ”. Người ta không thể tưởng tượng được ở Ấn Độ thời Trung
cổ, tôn giáo chỉ gây cho các quả phụ cái hi vọng được đoàn tụ với chồng
trong kiếp sau, mà sao có thể làm cho họ hoan hỉ chấp nhận tục suttee tới
mức đó.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.