dân tộc Ấn”. Macaulay bảo: “Người Ấn giảo quyệt, hay lừa gạt”. Theo luật
Manou và phép cư xử hàng ngày thì nói dối mà có thiện ý thì không có gì
đáng trách, chẳng hạn nếu nói thực mà có thể làm cho một tu sĩ chết, thì rất
nên nói dối. Tuy nhiên, Huyền Trang
bảo: “Người Ấn không lừa gạt ai
cả và giữ lời hứa… Họ không lấy cái gì mà thiệt hại cho người khác và họ
giữ lời quá cái mức công bằng nữa”. Abu-i-Fazl, tuy không có nhiều thiện
cảm với người Ấn, mà tả người Ấn ở thế kỉ XVI như sau: “Mộ đạo, hoà
nhã, vui vẻ, thích sự công bằng, ưa cảnh tĩnh mịch, buôn bán giỏi, trọng sự
thực, biết ơn và cực kì trung tín”. Ông Keir Hardie hiền hậu bảo: “Họ nổi
tiếng là ngay thẳng. Vay mượn toàn là nói miệng, chẳng cần giấy tờ gì cả
và gần như không bao giờ có chuyện vỡ nợ”. Một vị thẩm phán làm việc ở
Ấn Độ bảo: “Tôi đã xử mấy trăm vụ làm ăn, trong đó chỉ một lời nói dối
của một bên nào đó cũng có thể làm cho bên kia sạt nghiệp hoặc bị tù đày,
bị mất mạng nữa, mà không khi nào tôi thấy họ nói dối”. Làm sao dung hoà
được những nhận định trái ngược nhau đó? Sự thực có lẽ rất giản dị: một số
người Ấn ngay thẳng, còn một số người khác thì không.
Cũng vậy, người Ấn vừa rất tàn bạo vừa rất hiền hậu. Người Anh đã cho vô
tự điển của họ một từ ngữ rất ngắn, từ ngữ Thug, tên một hội kì cục – gần
như một tập cấp – đã gây cả ngàn vụ ám sát kinh khủng ở thế kỉ XVIII và
XIX mà mục đích chỉ là để tế nữ thần Kali. Vincent Smith viết về những
người Thug đó như sau và lời của ông, ở thời đại của chúng ta có lẽ vẫn
còn đúng:
Bọn họ không sợ gì cả và gần như được hưởng cái quyền hoàn toàn bất khả
xâm phạm… vì luôn luôn được kẻ quyền quí che chở. Tinh thần đạo đức
của dân chúng xuống thấp tới cái mức thấy bọn Thug giết người không
gớm tay mà họ cứ thản nhiên, chẳng tỏ ý chê bai. Họ cho những sự tàn sát
là tự nhiên và cho tới khi những bí mật của tổ chức đó bị phanh phui ra…
thì không làm sao thu thập được bằng chứng về hành động của những
người Thug mà ai cũng biết.