bọn giặc biển vô liêm sỉ.
Viết sử thì không thể nào hoàn toàn khách quan được. Ta chỉ có thể đòi hỏi
sử gia đừng có thành kiến và phải thận trọng thôi. Hai đức này Will Durant
đều có cả.
Tôi xin lấy ví dụ cuốn ông viết về văn minh Ấn Độ. Để viết cuốn ấy, ông
đã đọc khoảng trăm rưỡi bộ sách, dùng tài liệu nào, đều ghi xuất xứ, như
trong chương Đời sống của dân Ấn, gồm ba mươi tám trang, ông dẫn 210
câu hoặc đoạn, dẫn đủ 210 xuất xứ, từ những sử gia đời cổ như Hérodote
tới tác giả đời sau như Dubois
, Barnett, và cả những nhà viễn du như
Marco Polo, Pierre Loti… Gặp những ý kiến nào trái ngược nhau thì ông
ghi hết, rồi đưa lời phán đoán của ông, và trong công việc này, ông luôn tỏ
một tinh thần rộng rãi, không có thành kiến, chỉ sợ mình lầm lẫn:
“Chúng ta chỉ biết về bề ngoài như vậy thôi, khó mà đi sâu thêm nữa để
đoán được tư cách, tình cảm của người Ấn, vì dân tộc nào cũng có đủ các
đức và các tật, và các nhà nhận xét thường chỉ nhấn mạnh vào những đức
hoặc tất nào để chứng minh thuyết của họ hoặc làm cho câu chuyện thêm
vui”.
Ông nhắc ta hoài rằng:
“giám thức của mình có cái gì không vững, không chắc chắn, do truyền
thống cùng ảnh hưởng xã hội chung quanh gây nên, mà xã hội nào cũng
hẹp hòi, có thành kiến, như vậy khi phán đoán các dân tộc khác; hoặc phê
bình nghệ thuật của họ theo tiêu chuẩn, thành kiến của mình thì làm sao
khỏi bất công với họ được”.
Vậy ông cho chúng ta một bài học về đức khiêm tốn và bao dung. Có bao
dung thì mới hiểu nhau được mà cùng nhau bảo tồn di sản văn minh chung,
vì chỉ di sản đó mới đáng quý mà nó lại rất dễ bị tiêu diệt.