một quốc gia cần thoát khỏi cảnh hổn loạn, nhu nhược để lập lại trật tự,
lấy lại sức mạnh, nhưng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để gianh
đua trên trường quốc tế thì triết lí đó là một trở ngại”.
Một số thanh niên nước ta, chắc không ngờ tác giả mấy hàng đó là học giả
của chính cái xứ sản xuất ra kẹo cao su để họ nhai tóp tép mà chê Nguyễn
Khuyến, Nguyễn Công Trứ là “quân tử Tàu”. Phải dung hoà được Đông và
Tây, cũ và mới, chứ bỏ hết cái cũ thì cũng không hơn gì khư khư bám lấy
cái cũ.
Một đặc điểm cuối cùng nữa nhưng không kém quan trọng là bộ sử của
Durant hấp dẫn như tiểu thuyết: hễ đã đọc vài trang rồi thì phải đọc tiếp tới
hết cuốn, thỉnh thoảng gặp một nhận xét thâm thuý, dí dõm, hoặc mỉa mai
một cách tế nhị, và cuối mỗi phần luôn luôn có một vài trang tổng kết gọn,
sáng mà đủ, giúp ta nhận định được những nét chính của mỗi nền văn minh
và gợi cho ta rất nhiều suy tư và hoài cảm. Văn của ông sáng sủa, uyển
chuyển có khí lực, nhiều câu cô động, cân đối như châm ngôn, có đoạn cảm
xúc dào dạt như khi ông viết về J.J. Rousseau. Đáng là một đại bút.
*
* *
Tác phẩm lớn quá, số độc giả nước mình còn ít, dù có người kiên tâm dịch
trọn thì cũng không có nhà nào xuất bản nổi. Chẳng dịch trọn được thì ít
nhất cũng dịch lấy một phần, và chúng tôi lựa phần đầu: Di sản của phương
Đông, và trong phần này, chúng tôi bỏ những nền văn minh đã tắt: văn
minh Ai Cập và Cận Đông, mà thêm vào nền văn minh của Ba Tư và Ả
Rập vì hai nền văn minh này, cũng như văn minh Ấn Độ. Trung Hoa, Nhật
Bản, sau mấy thế kỷ bị văn minh Ki-tô giáo lấn át, đương biến chuyển, cơ
hồ như sau này có thể ảnh hưởng ngược lại tới nền văn minh phương Tây.
Hiện nay nhiều học giả phương Tây, như Will Durant tiên đoán, quay trở về
nghiên cứu phương Đông - ở Mỹ ngôn ngữ và văn minh Trung Hoa được