Will Durant
Lịch sử văn minh Ấn Độ
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VI
ĐỜI SỐNG TINH THẦN
I. KHOA HỌC ẤN ĐỘ
Nguồn gốc tôn giáo của khoa học Ấn Độ - Các nhà thiên văn – Toán học –
Síp “Ả Rập” – Hệ thống thập phân – Đại số học – Hình học – Vật lí học –
Hoá học – Sinh lí học – Y học thời Veda – Y sĩ – Nhà giải phẫu – Đánh
thuốc mê – Chủng đậu – Thôi miên
Ở Ấn Độ, khoa học rất già mà cũng rất trẻ; già vì nó đã được các tu sĩ
nghiên cứu từ lâu lắm như một môn phụ; trẻ vì nó mới được coi là môn học
thế tục, độc lập từ ít lâu nay. Tôn giáo là trung tâm của đời sống Ấn Độ cho
nên các môn khoa học được nghiên cứu đầu tiên là các môn họ coi là phụ
vào tín ngưỡng, chẳng hạn môn thiên văn phát sinh từ sự thờ phụng các
tinh tú mà người ta cần biết sự vận chuyển để định các ngày lễ, tết; môn
ngữ pháp và ngôn ngữ học phát triển vì người ta buộc các tín đồ phải tụng
kinh cho đúng từng chữ, mặc dù kinh viết bằng một tử ngữ. Cũng như ở Âu
châu thời Trung cổ, các nhà bác học Ấn mới đầu đều là các tu sĩ.
Môn thiên văn là một đứa con ngẫu nhiên của môn chiêm tinh, và nhờ ảnh
hưởng của Hi Lạp mà nó thoát ra được thành một môn độc lập. Bộ sách cổ
nhất về thiên văn, bộ Shiddhanta (khoảng 425 trước Công nguyên) dựa vào
khoa học Hi Lạp, còn Varahamihira, mà tác phẩm mang nhan đề rất có ý
nghĩa này: Toàn thể hệ thống Chiêm tinh học tự nhiên, thành thật nhận
mình học được của người Hi Lạp những gì. Nhà thiên văn học và toán học
lớn nhất Ấn Độ, Aryabhata, đặt vè để giảng về các phương trình bình
phương, về sinus, về trị số của π; ông ta giảng về nhật thực, nguyệt thực, hạ