Năm 927 sau Công nguyên, hai phẫu thuật gia đục xương của một ông vua
Ấn sau khi cho ông ta uống một thứ thuốc tê gọi là Samohini.
Sushruta kể ra tới 1.120 thứ bệnh và bảo chẩn bệnh thì phải vọng, văn, vấn,
thiết (bắt mạch). Một cuốn sách viết khoảng 1.300 sau Công nguyên chỉ
cách bắt mạch. Người Ấn rất ưa xét nước tiểu để đoán bệnh; và các y sĩ Tây
Tạng nổi tiếng là coi nước tiểu để đoán được bất kì bệnh gì. Thời Huyền
Trang, người Ấn đã bắt đầu dùng phép nhịn ăn bảy ngày để trị bệnh; có khi
chẳng cần uống thuốc mà chưa hết bảy ngày đã hết bệnh; hết bảy ngày mà
chưa hết bệnh thì mới phải dùng thuốc. Nhưng có dùng thuốc cũng chỉ
dùng ít thôi; họ trông cậy vào các cách nhịn ăn, tắm rửa, tẩy, xông, chích
máu bằng đỉa hoặc bằng bầu giác, hơn là vào thuốc. Y sĩ Ấn rất giỏi về
khoa giải độc rắn cắn; hiện nay Tây y vẫn thua họ về khoa đó. Châu Âu
mãi tới thế kỉ XVIII mới biết chủng đậu; theo Dhanwantari, một trong
những y sĩ đầu tiên của Ấn thì người Ấn đã biết chủng đậu từ năm 550 sau
Công nguyên: “Dùng dao chích châm vào mủ của nốt đậu trên vú con bò
cái… rồi chích vào cánh tay, trên khoảng từ vai tới khuỷ tay, cho máu rướm
ra, hoà mủ đó với máu, thế là bệnh sốt vì đậu”. Nhiều y sĩ châu Âu ngày
nay cho rằng người Ấn sở dĩ có chế độ tập cấp, các tập cấp sống cách biệt
hẳn nhau, không đụng chạm tới nhau vì người Bà La Môn sợ bị lây bệnh do
những vật vô hình nào đó; xét các qui tắc vệ sinh chỉ trong sách của
Sushruta và trong “luật Manou” thì hình như người Ấn thời xưa đã biết
thuyết mà ngày nay chúng ta gọi là thuyết vi trùng gây bệnh; chung qui
chúng ta chỉ đặt một tên mới cho các thuyết của cổ nhân thôi chứ có khám
phá gì thêm đâu. Hình như người Ấn đã phát minh ra cách trị bệnh bằng
thôi miên; họ thường đưa con bệnh lại các ngôi đền để trị bằng cách đó,
cách “điện miên” (nghĩa là ngủ ở đền), như ở Ai Cập và Hi Lạp. Các y sĩ
Anh Braid, Esdale và Elliotson “nhờ tiếp xúc với Ấn Độ, mượn ý và rút
kinh nghiệm của Ấn” mà khai sinh cho môn trị bệnh bằng thôi miên ở Anh.
Y học Ấn phát triển rất mau ở thời Veda và thời Phật giáo sau đó, luôn mấy
thế kỉ, tiến rất chậm, rất rụt rè. Atreya, Dhanwantari và Sushruta học được